Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, nông dân xã Kông Pla và Đak Hlơ (huyện Kbang, Gia Lai) trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng mía, giúp nông dân có cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Đầu năm 2018, anh Trần Văn Tiếng (thôn Jlao, xã Kông Pla) đã chuyển đổi 3 ha đất trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm. Anh Tiếng cho biết, dâu trồng 4 tháng là được thu hoạch. Mỗi héc ta dâu sau 6 tháng trồng sẽ nuôi được 9 hộp trứng tằm, mỗi hộp cho thu khoảng hơn 50 kg kén và cứ 25 ngày thu hoạch kén sau đó tiếp tục nuôi gối đầu lứa tiếp theo. Theo tính toán của anh Tiếng, mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 465 kg kén; nếu bán với giá trung bình 165.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi lứa gia đình anh thu về 57 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Trên thị trường hiện nay, nhu cầu kén rất lớn. Sản phẩm kén làm ra bao nhiêu các đại lý ở Đak Lak và Lâm Đồng thu mua bấy nhiêu. Nghề trồng dâu nuôi tằm đầu tư không nhiều, đất trồng dâu không đòi hỏi dồi dào dinh dưỡng nên có thể chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập”-anh Tiếng chia sẻ.
 Anh Trần Văn Tiếng cho tằm ăn. Ảnh: N.S
Anh Trần Văn Tiếng cho tằm ăn. Ảnh: N.S
Cũng theo anh Tiếng, hiện nay có 2 cách nuôi tằm. Đối với những hộ nhập con giống về nuôi thì chu kỳ kén tằm khoảng 16 ngày. Riêng anh chọn cách tự ươm con giống nên thời gian thu hoạch lâu hơn. Với cách nuôi này, về lâu dài người nuôi tằm sẽ chủ động được nguồn giống để gối đầu cho lứa sau. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng nhà nuôi tằm và thuê thêm 11 ha đất trồng dâu, dự kiến sang năm sẽ bắt đầu nuôi tằm. Những hộ ở địa bàn có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm, anh sẵn sàng cung cấp cây-con giống.
Ông Đinh Bát-Chủ tịch UBND xã Kông Pla-cho biết: Hộ anh Nguyễn Văn Tiếng ở thôn Jlao mạnh dạn chuyển đổi diện tích mía sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái vào mua tới đó. Hiện một số người dân trong xã và các vùng lân cận đã đến nhà anh Tiếng học hỏi kinh nghiệm và làm theo.
Tương tự, từ tháng 3 năm nay, bà Chu Thị Huệ (thôn 5, xã Đak Hlơ) đã chuyển đổi 2 ha mía sang trồng dâu nuôi tằm. Bà Huệ cho biết, tháng 10-2018, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Việt Huy (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bán 3,5 triệu đồng tiền con giống cho bà về nuôi và bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch. Sau khi nhập tằm giống về, hàng tuần, doanh nghiệp này cử 2 cán bộ luân phiên ra đây để hướng dẫn kỹ thuật nuôi. “Nghề trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả hơn trồng mía nhưng nếu có kỹ thuật nuôi tốt, thu nhập sẽ cao hơn trồng mía. Hiện 1 ha dâu cung cấp thức ăn cho 7 đến 9 hộp con giống. Với giá kén doanh nghiệp thu mua hiện nay là 130.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi 35 triệu đồng/tháng. Sau 16 ngày nuôi sẽ cho thu nhập bằng trồng mía 1 năm”-bà Huệ cho biết thêm. Được biết, hiện nay, trên địa bàn thôn 5 (xã Đak Hlơ) đã có 7 hộ chuyển diện tích mía sang trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 1 ha, có hộ đã thu về những mẻ kén đầu tiên.
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một số hộ trên địa bàn xã Kông Pla và Đak Hlơ bước đầu mang lại hiệu quả, là hướng phát triển kinh tế mới của bà con trong thời điểm giá mía xuống thấp. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên trồng dâu ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ trước khi nhân rộng. Thời gian đến, chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu, nuôi tằm, tìm đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất. “Cùng với việc phát triển diện tích, chúng tôi tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm cho người trồng dâu nuôi tằm hiện nay. Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp rất quan tâm, cùng vận động doanh nghiệp và nông dân tạo mối liên kết chuỗi giá trị này ngày một phát triển hơn”-ông Tình cho biết thêm.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm