Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Trồng dâu nuôi tằm trên những vườn tiêu hỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị dịch bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Trước thực tế đó, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, bước đầu cho thu nhập ổn định.
Tại thôn Lương Hà (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai), giữa năm nay, một số hộ dân đã chuyển đổi đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện nhiều hộ đã nuôi được 4-5 lứa tằm. Với giá kén tằm là 130 ngàn đồng/kg, mỗi lứa, họ thu được 4-5 triệu đồng/sào dâu. Anh Lê Văn Khoa-một trong những hộ nuôi tằm ở thôn Lương Hà-cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng mấy ngàn trụ hồ tiêu nhưng giờ chết hết, thành ra trắng tay. Thấy người ta trồng dâu nuôi tằm vừa đầu tư ít, lại quay vòng vốn nhanh nên tôi đã mạnh dạn trồng thử hơn 1 sào dâu và nuôi hơn 30 m2 tằm. Lứa đầu không có kinh nghiệm nên bị mất hoàn toàn, đến lứa thứ 2 do hàng xóm phun thuốc sâu gần khu vực nên bị ảnh hưởng làm tằm chết một ít, thu hoạch chỉ được hơn 2 triệu đồng. Hiện tôi đang chuẩn bị thu hoạch lứa thứ 3, hy vọng kén được giá sẽ cho thu nhập hơn 4 triệu đồng/sào dâu. Hiện đầu ra của sản phẩm đảm bảo, khi có kén tằm chỉ cần gọi điện thoại là họ tới thu mua nên tôi đang chuẩn bị trồng thêm 2-3 sào dâu nữa để nuôi tằm”.
 Mô hình nuôi tằm hộ anh Lê Văn Khoa (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh). Ảnh: L.N
Mô hình nuôi tằm hộ anh Lê Văn Khoa (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh). Ảnh: L.N
Được biết, UBND huyện Chư Pưh cũng đang triển khai đề án “Xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm nơi chân ruộng thiếu nước về mùa khô trong làng đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo đó, mô hình gồm 6 ha được triển khai tại các xã: Ia Blứ, Ia Le, Ia Hla, Ia Hrú, Chư Don và thị trấn Nhơn Hòa với tổng kinh phí 479,2 triệu đồng (ngân sách sự nghiệp khuyến nông huyện 293,5 triệu đồng, nhân dân đóng góp 185,7 triệu đồng). Ông Hoàng Văn Hoan-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Chư Pưh-cho biết: “Giống dâu S7-CB, VA-201 là giống dâu lai trồng bằng hom, lá dày, màu xanh đậm, cho năng suất trên 20 tấn lá/ha/năm. Chất lượng lá tốt, phù hợp làm thức ăn cho cả tằm con và tằm lớn. Một chu kỳ sản xuất kén tằm là 20 ngày, mỗi năm trung bình sản xuất được 8 lứa. Với 0,5 ha trồng dâu, mỗi lứa cho sản lượng trung bình là 250 kg kén tằm và chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng. Với giá bình quân là 160 ngàn đồng/kg kén tằm (thời điểm hiện tại giá là 182 ngàn đồng/kg; thời điểm mùa khô giá lên 200 ngàn đồng/kg) thì một năm cho doanh thu trung bình gần 300 triệu đồng”.
Cũng theo ông Hoan, sau khi mô hình thành công sẽ nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn huyện bởi tiềm năng để mở rộng diện tích trồng dâu còn rất lớn. Toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ liên kết với các nhà máy ươm tơ tại tỉnh Lâm Đồng để tiêu thụ. Trên cơ sở đó, kế hoạch hàng năm huyện phấn đấu trồng 10-20 ha dâu giống mới. Đến năm 2020 có thêm trên 100 ha dâu giống mới trên địa bàn huyện.  
Tương tự, tại xã Hải Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) hiện có 3 hộ, tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai, Gia Lai) có 1 hộ và tại huyện Chư Sê cũng có hàng chục hộ đang triển khai trồng dâu nuôi tằm. Ông Lê Sỹ Quý-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê-cho biết: “Hiện Trạm đang triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Al Bá với diện tích 2 ha của 6 hộ tham gia. Tổng kinh phí triển khai là 191 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 131 triệu đồng, người dân đóng góp 60 triệu đồng). Theo đó, nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí mua cây giống, 60% tiền mua phân bón và con tằm giống. Hiện việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác. Ngoài ra, dâu là loại cây trồng dễ tính, phù hợp với nhiều loại đất, ít sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc và nghề nuôi tằm phù hợp với kinh tế hộ gia đình, không đòi hỏi cao về kỹ thuật nên dễ triển khai...”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm