Xã hội

Đời sống

Gia Lai: Ưu tiên nguồn lực giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện còn 31.502 hộ nghèo (chiếm 8,11%), trong đó có 28.173 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 17,05% tổng số hộ DTTS. Để tiếp tục kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo DTTS, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên.

Gia đình ông Kpuih Prép (làng U Diếp, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) là một trong những hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Cuối năm 2022, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, ông vay thêm 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và khoản tiền tích góp để xây dựng ngôi nhà có diện tích gần 50 m2.

Ông Prép phấn khởi chia sẻ: “Suốt 12 năm qua, gia đình phải sống tạm bợ trong ngôi nhà thưng bằng tôn dột nát. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà mới, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể còn cử cán bộ đến nhà hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc hơn 5 sào cà phê, 3 sào lúa nước và chăn nuôi bò để tăng thu nhập. Chúng tôi càng có thêm động lực để cố gắng vươn lên thoát nghèo”.

Đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình đời sống của người dân tộc thiểu số thoát nghèo tại xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: Đ.Y

Đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình đời sống của người dân tộc thiểu số thoát nghèo tại xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: Đ.Y

Theo thống kê năm 2023, xã Kông Htok còn 234 hộ nghèo, chiếm hơn 16,73% tổng số hộ dân, trong đó đa số là hộ đồng bào DTTS. Chủ tịch UBND xã Dương Duy Hùng cho biết: Năm 2023, xã có 85 hộ thoát nghèo. Để đạt được kết quả này, UBND xã tận dụng các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, cấp các loại cây-con giống, máy móc, phân bón; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề.

Trao đổi với P.V, ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho hay: Từ năm 2019 đến 2022, toàn huyện có 2.315 hộ thoát nghèo. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nghèo, các phòng, ban của huyện cũng như UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng thôn, làng, tổ dân phố triển khai thực hiện. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, UBND huyện còn chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.986 hộ nghèo, chiếm 6,24%.

Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.059 hộ nghèo (chiếm 11,26%), trong đó có 1.870 hộ nghèo là người DTTS (chiếm 90,82% tổng số hộ nghèo toàn huyện); 3.164 hộ cận nghèo (chiếm 17,3%). “Địa phương lựa chọn nhóm đối tượng có khả năng thoát nghèo trước để hỗ trợ nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nói.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh đã giải ngân trên 5.400 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách cho 17.922 hộ nghèo, cận nghèo vay để đầu tư phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh đặt mục tiêu trung bình mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo và giảm 3% hộ nghèo là người DTTS. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà cho ít nhất 2.000 hộ nghèo, cận nghèo; đảm bảo cho 98% hộ nghèo được sử dụng nước sạch; hầu hết trẻ em được tới trường đúng độ tuổi.

Ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-thông tin: “Để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo thì công tác khảo sát nhu cầu, điều kiện cuộc sống, sản xuất của từng hộ nghèo phải thực chất. Các địa phương cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án giảm nghèo bền vững. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cần đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân ở địa phương để hỗ trợ hộ nghèo. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, năng lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Đây là chìa khóa để đưa các chủ trương, chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”.

Có thể bạn quan tâm