Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gia Lai ưu tiên nguồn lực xử lý "điểm đen" tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ và hơn 11.000 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, 4 tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý với tổng chiều dài 371 km gồm: quốc lộ 14C, 25, 19D và đường Trường Sơn Đông. Những năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, làm mới hệ thống giao thông đúng cấp kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường có mật độ giao thông lớn, nhiều vị trí mặt đường, cầu, nút giao hẹp, hạn chế tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dần hình thành các “điểm đen” và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Trước thực trạng đó, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các “điểm đen”, điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, Sở chỉ đạo các công ty quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ và 10 tuyến đường tỉnh nhằm bảo vệ kết cấu, kéo dài tuổi thọ công trình.
 

Bảo trì mặt đường trên tuyến quốc lộ 25. Ảnh: L.A
Bảo trì mặt đường trên tuyến quốc lộ 25. Ảnh: Lê Anh


Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý kết cấu-hạ tầng giao thông (Sở GT-VT) cho biết: Từ nguồn kinh phí bảo trì sửa chữa thường xuyên, Sở GT-VT đã bảo trì, bảo dưỡng 10 tuyến đường tỉnh với kinh phí hơn 11 tỷ đồng/năm và 4 tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý với kinh phí hơn 18 tỷ đồng/năm. Sở cũng đổi mới công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ trên địa bàn từ phương thức đặt hàng, nghiệm thu theo khối lượng thực hiện sang phương thức đấu thầu và hợp đồng quản lý trên cơ sở chất lượng thực hiện. Trong 3 năm trở lại đây, đối với 4 tuyến quốc lộ đã sửa chữa được 735.710 m2 mặt đường; 10 tuyến đường tỉnh đã sửa chữa được 254.396 m2 mặt đường và sửa chữa hàng trăm rãnh, cống thoát nước. Hệ thống hạ tầng giao thông luôn được bảo trì tốt giúp đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, công tác rà soát, xác định và xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng luôn được Sở GT-VT quan tâm. Trong giai đoạn 2020-2022, Sở đã rà soát và xử lý 2 “điểm đen”, 18 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên 4 tuyến quốc lộ và xử lý 1 “điểm đen”, 4 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên 10 tuyến tỉnh lộ. Bên cạnh đó, bổ sung 650 biển báo, 4.395 cọc tiêu, 9.385 m hộ lan mềm, 144 tiêu dẫn hướng, 182 đinh phản quang, 19.158 m2 sơn kẻ vạch đường và các cụm gờ giảm tốc… Tổng kinh phí xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông là 14,82 tỷ đồng. Sở GT-VT cũng đã phối hợp với Khu Quản lý đường bộ III và các đơn vị liên quan xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ do đơn vị này quản lý. Nhờ vậy, 4 tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý và 10 tuyến đường tỉnh không còn “điểm đen” tai nạn giao thông.

Theo ông Thái, thời gian tới, Sở GT-VT tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị quản lý xử lý kịp thời những hư hỏng cục bộ trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông thông suốt an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá những đoạn tuyến có thời gian đưa vào khai thác sử dụng đã lâu nhưng chưa được nâng cấp cải tạo để đề nghị Bộ GT-VT, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn xây dựng, nâng cấp cải tạo tăng năng lực khai thác vận hành của tuyến. Đồng thời, Sở phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thống kê chính xác thực trạng các vị trí để kịp thời báo cáo Cục Quản lý đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, khắc phục đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại an toàn của người dân. “Ngoài ra, Sở GT-VT chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị quản lý đường bộ tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuần đường, tuần kiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.

 

 LÊ ANH
 

Có thể bạn quan tâm