Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai vực dậy vị thế cây 'vàng đen'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời kỳ hoàng kim, cây hồ tiêu mang lại kim ngạch xuất khẩu cho Gia Lai khoảng 150 triệu USD/năm. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, vị thế của cây "vàng đen" một thời đang dần mất đi.
Nông dân Gia Lai tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Nông dân Gia Lai tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Diện tích giảm sâu, giá cả bấp bênh khiến người nông dân không còn mặn mà với cây tiêu. Để lấy lại vị thế cây hồ tiêu, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Mô hình hữu cơ bền vững

Sau thời gian dài cây hồ tiêu trở thành nỗi ám ảnh của người dân Chư Sê khi giá giảm sâu, thì nay hồ tiêu đã có dấu hiệu khởi sắc với mức giá trên 60.000 đồng/kg và duy trì ổn định trong thời gian dài. Theo dự báo, đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá cả sẽ ổn định theo biên độ tăng và khả năng đến cuối năm 2023 giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Điều này chính là động lực cho người dân Chư Sê gây dựng lại vườn cây hồ tiêu với kỳ vọng trở lại thời "hoàng kim" sau nhiều năm bỏ bê. Để tránh đi vào vết xe đổ khi đầu tư ồ ạt, người dân đã cẩn trọng hơn với việc đầu tư vừa phải, đồng thời hướng tới phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững.

Là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng tiêu theo hướng hữu cơ, gia đình anh Lê Hùng Huấn (thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) hiện đã có 8 ha trồng tiêu; trong đó có 3 ha trồng mới và 5 ha đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Nếu như cả vùng "thủ phủ hồ tiêu" ở huyện Chư Sê, Chư Pưh một thời mắc bệnh và chết khô thì vườn của anh Huấn vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định.

Để có được thành công này, ngay từ đầu, gia đình anh đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt chú trọng chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Một trong những biện pháp được anh Huấn áp dụng là để cỏ phát triển xanh tốt dưới gốc hồ tiêu. Trong khi hầu hết những vườn tiêu khác đều được làm sạch cỏ dưới gốc.

"Phương pháp để cỏ dưới gốc sẽ giảm được công chăm sóc rất nhiều. Khi thấy cỏ mọc cao, chỉ cần lấy máy cắt phần trên, để lại khoảng 10cm dưới gốc, mỗi năm chỉ cần làm vài lần như vậy. Lợi ích của cỏ mang lại là vào mùa mưa để chống úng, mùa nắng thì làm cho mát đất, giúp cây tiêu sinh trưởng tốt, bền vững. Những phần cỏ cắt xuống lại tạo thành phân hữu cơ. Cùng đó cần hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, gần như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ", anh Huấn chia sẻ.

Tương tự, vườn hồ tiêu của ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cũng khẳng định hướng đi đúng trong việc thay đổi phương thức trồng. Hướng phát triển thuần nông, áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ vào vườn tiêu, nên vườn cây của ông Mau vẫn xanh tốt, năng suất ổn định. Theo ông Mau, tuy năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất vườn cây vẫn đạt khá cao, trung bình mỗi trụ thu khoảng 3 kg tiêu khô.

"Gia đình có khoảng 5 ha hồ tiêu liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang sản xuất theo hướng hữu cơ. Canh tác theo hướng này giúp vườn cây phát triển bền vững, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao và năng suất ổn định. Đặc biệt, giá bán cao hơn hồ tiêu thường từ 20.000-22.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình mà cho cả người tiêu dùng"- ông Mau chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, trước đây, khi giá hồ tiêu cao, người dân ồ ạt trồng và khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy cây chết. Sau giai đoạn khó khăn này, nhận thức của người dân đã thay đổi và chọn những giải pháp canh tác tốt hơn, theo đúng định hướng cũng như xu hướng của thị trường, đó là canh tác bền vững.

Một trong những giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững đặt ra cho các thành viên của hợp tác xã là sản xuất một cách tự nhiên nhất, không gò ép cây trồng, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ, trồng cây che bóng… Nhờ đó, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí năm 2018 và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu.

Hợp tác xã này là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên đạt chứng nhận hữu cơ cho cây hồ tiêu. Bên cạnh xuất khẩu thô, hợp tác xã cũng bắt đầu chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu - ông Công thông tin.

Tìm lại vị thế cây "vàng đen"

Nông dân Gia Lai thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Nông dân Gia Lai thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Sau khi cây hồ tiêu trải qua "cơn bạo bệnh", nông dân bắt đầu thay đổi nhận thức, không còn tình trạng ồ ạt trồng, "mạnh ai nấy làm". Giờ đây, người dân đã biết liên kết sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người trồng đã có cái nhìn rõ hơn về những yếu kém, khó khăn cũng như cơ hội trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết thâm canh bền vững; chuẩn hóa quy trình canh tác và chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất sạch, an toàn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững cũng như nâng cao giá trị cây "vàng đen" trên đất Gia Lai.

Theo ông Nguyễn Tấn Công, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đang liên kết sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 70 ha với hơn 50 hộ tham gia.

Nhờ đó, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu.

Bên cạnh việc cung cấp cho đơn vị trung gian khoảng 100 tấn hồ tiêu đen/năm để xuất khẩu, hợp tác xã còn chế biến các sản phẩm như tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Tại "thủ phủ hồ tiêu" Chư Sê, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang) cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định với hơn 100 ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với hạt tiêu thường, công ty còn hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng cao cho người dân sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Thắng Gia Lai cho hay, thị trường tiêu thụ hồ tiêu sạch hiện nay rất lớn, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ. Trung bình mỗi tháng, công ty cung ứng cho đối tác trung gian khoảng 100 tấn tiêu sọ (tiêu trắng) để xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của công ty hiện chưa đáp ứng đủ công suất sản xuất mỗi ngày khoảng 13-14 tấn tiêu đen.

Thời gian tới, công ty sẽ làm việc với Uỷ ban nhân dân các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu; đồng thời cam kết hỗ trợ người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết về quy trình kỹ thuật canh tác, phân bón, giống chất lượng cũng như thu mua với giá cao hơn.

Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Thắng Gia Lai, vườn cây của anh Nguyễn Thanh Bình (thôn 6, xã Ia Blang) luôn cho năng suất cao và ổn định. Anh Bình phấn khởi cho biết, dù được trồng xen trong vườn cà phê nhưng mỗi trụ tiêu cho năng suất bình quân trên 5 kg tiêu khô. Bước vào thu hoạch năm thứ 8, cây tiêu vẫn xanh tốt, chưa có dấu hiệu già cỗi. Sắp tới, anh sẽ liên kết với công ty để trồng mới khoảng 500 trụ hồ tiêu trên diện tích cà phê tái canh của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết, hiện Chư Sê có tổng diện tích trồng hồ tiêu với gần 3.000 ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Số hộ dân tham gia sản xuất hồ tiêu trên địa bàn huyện là 5.454 hộ. Toàn huyện có 34 cơ sở kinh doanh hồ tiêu, 95 cơ sở thu mua. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 4 tổ chức đang sản xuất sản phẩm của địa phương gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Thắng Gia Lai xã Ia Blang được cấp Giấy chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm hồ tiêu, diện tích 5,7 ha, sản lượng 35 tấn/năm; Hợp tác xã Hoài Trương, xã Ia Blang; Hợp tác xã Ia Ring xã Ia Tiêm và hộ kinh doanh Trúc Phùng xã Ia Pal.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp tư vấn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh ngay tại vườn cây. Đồng thời, lựa chọn những nguồn giống tốt, phù hợp đã được kiểm định để khuyến khích người dân trồng nhằm tránh những rủi ro trong quá trình canh tác, ông Hợp cho hay.

Ngoài ra, huyện còn tổ chức xây dựng, hoàn thiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.

Tỉnh Gia Lai hiện có 10.040 ha hồ tiêu, sản lượng bình quân đạt khoảng 35.700 tấn/năm; trong đó, diện tích hồ tiêu được sản xuất theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance) đã có giấy chứng nhận trên 800 ha; diện tích còn lại, người dân đang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP).

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu sẽ giữ ổn định ở mức cao trong vài năm tới, đồng thời nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới từ nay đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 3%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ thì ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi phải sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có những giải pháp hỗ trợ, định hướng người dân sản xuất theo hướng bền vững nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hồ tiêu vẫn là một ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam với xấp xỉ 1 tỷ USD/năm và Gia Lai vẫn là "cứ điểm" quan trọng trên bản đồ hồ tiêu Việt Nam. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo ra các sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao, tham gia sâu vào những thị trường có giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển, giữ ổn định diện tích hồ tiêu trên địa bàn khoảng 12.000 ha; trong đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic)... Tỉnh sẽ hướng dẫn các địa phương có kế hoạch, định hướng cụ thể phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu phải gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị.

Đồng thời, việc phát triển sản xuất hồ tiêu phải gắn với quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm; kịp thời ngăn chặn, không để nguồn vật tư đầu vào kém chất lượng đưa vào sản xuất ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng và tham gia vào những thị trường có giá trị gia tăng cao.

Có thể bạn quan tâm