Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Xây dựng vùng chuyên canh cây trồng chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Gia Lai tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực có quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động chế biến. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Xây dựng vùng chuyên canh cây trồng chủ lực

Năm 2019, huyện Chư Pưh phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện Dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng trên địa bàn huyện. Đây là cơ sở giúp bà con nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp tìm hiểu, lựa chọn cây trồng phù hợp để đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Sau khi có dữ liệu điều tra, đánh giá về điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng của từng vùng để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực tại các huyện, thành phố khu vực phía Tây của tỉnh. Ảnh: N.D

Sầu riêng là cây trồng chủ lực tại các huyện, thành phố khu vực phía Tây của tỉnh. Ảnh: N.D

“Hiện nay, một số hộ dân đã liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh hình thành các vùng chuyên canh tập trung, chất lượng cao như: sầu riêng, mít Thái, bơ, nhãn Hương Chi, cây lương thực, cà phê, hồ tiêu… Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã từng bước mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có gần 76.000 ha lúa, 37.000 ha bắp, hơn 100.000 ha cà phê, gần 87.000 ha cao su, gần 9.000 ha hồ tiêu, 35.000 ha cây ăn quả, 16.520 ha rau, hoa; 79.000 ha mì, hơn 40.000 ha mía… Hầu hết các loại cây trồng được quy hoạch phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, khu vực. Để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND về danh mục sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Theo đó, các địa phương khu vực phía Tây tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả... Còn các huyện, thị xã khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh chủ yếu phát triển cây trồng ngắn ngày như: lúa nước, mía, mì, bắp và cây ăn quả.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Những năm qua, lúa nước trở thành cây trồng chủ lực của huyện nhờ nguồn nước tưới dồi dào từ công trình thủy lợi Ayun Hạ. Để trở thành vùng chuyên canh lúa lớn nhất của tỉnh, huyện đã đầu tư chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng đã định hình vùng chuyên canh mía, mì.

Đầu tư phát triển theo hướng bền vững

Việc định hình các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực là tiền đề để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-thông tin: Cùng với cây cà phê, cao su và hồ tiêu, những năm gần đây, huyện đã xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao như sầu riêng, nhãn, mít Thái… Để các loại cây trồng chủ lực phát triển bền vững, huyện đã hướng dẫn nông dân đầu tư sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, huyện mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng thâm canh gắn với thu mua, chế biến nông sản. Ngoài ra, huyện tập trung đầu tư xây dựng nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm gần đây, tỉnh tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực phù hợp với thực tế từng vùng, địa phương. Bên cạnh đó, bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển cây trồng theo hướng thâm canh tập trung, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Organic… Trên cơ sở danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tuyên truyền, vận động người dân đầu tư sản xuất gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến theo chuỗi giá trị tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; sử dụng những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền, vận động người dân đầu tư cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường các nước nhập khẩu. Đặc biệt, ưu tiên sơ chế, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm