Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Xuất khẩu nông sản chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành nông nghiệp. Thế nhưng giá trị xuất khẩu nông sản lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Nhìn từ các ngành hàng chủ lực

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 630 triệu USD, năm 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD và năm 2024 ước đạt 800 triệu USD.

Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê với 210.000 tấn, tương ứng 620 triệu USD, tăng 26,53% về giá trị; mủ cao su 830 tấn, tương ứng 1,25 triệu USD, tăng 4,17% về giá trị; sản phẩm gỗ đạt 2,1 triệu USD, tăng 110% về giá trị... Một số ngành hàng đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh... cũng đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại và có khả năng xuất khẩu.

1-hien-nay-ha-tang-logistics-chua-phat-trien-chua-theo-kip-voi-da-phat-trien-cua-thuong-mai-xuat-nhap-khau-anh-ha-duy.jpg
Kho hàng cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần Tín Thành Đạt​. Ảnh: V.T

Toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn, còn lại phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, việc đầu tư máy móc sơ chế, chế biến; ứng dụng khoa học kỹ thuật; nắm bắt thông tin về thị trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh hầu hết ở dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng nên gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu vẫn thu mua nông sản thô rồi chuyển đi các địa phương khác bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, chứ chưa đủ tiềm lực xuất khẩu trực tiếp. Do đó, nhiều loại nông sản có sản lượng lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu không cao.

Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho biết: Hiện nay, hồ tiêu của Gia Lai chiếm khoảng 10% sản lượng cả nước. Song, hầu hết là xuất bán nguyên liệu thô cho các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. “Những năm trước, Gia Lai có một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, thời điểm này, gần như không có doanh nghiệp nào xuất khẩu trực tiếp”-ông Bính cho biết thêm.

Điểm qua các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai cho thấy, cà phê hiện chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, sản lượng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhân xanh, tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 16%. Ngoài cà phê, cây ăn quả đang là điểm sáng với các mặt hàng nước chanh dây đông lạnh.

Cùng với đó là một số loại trái cây tươi như: sầu riêng, chuối… cũng đã đủ các tiêu chuẩn để đi theo con đường xuất khẩu chính ngạch. Đặc biệt, việc sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn để ngành hàng sầu riêng gia tăng giá trị.

Tiềm năng xuất khẩu còn lớn

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh có khoảng 106.400 ha cà phê, trong đó, diện tích kinh doanh 94.270 ha, sản lượng khoảng 312.100 tấn. Theo định hướng, Gia Lai sẽ giữ ổn định diện tích 100-110 ngàn ha, đưa diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt khoảng 80%. Giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành hàng, với sản lượng xuất khẩu đạt 210-240 ngàn tấn/năm.

1-mat-hang-chanh-day-tim-dang-la-loi-the-cho-gia-lai-day-manh-xuat-khau-sang-eu-anh-duc-thuy.jpg
Mặt hàng chanh dây tím đang là lợi thế cho Gia Lai đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Ảnh: Đức Thụy

Hiện nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt 33.250 ha, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD, chủ yếu là chuối, chanh dây chế biến. Đối với cao su, trên địa bàn tỉnh có khoảng 83.750 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 52.767 ha, sản lượng mủ khô khoảng 81.800 tấn; vùng nguyên liệu này gắn với 10 nhà máy chế biến mủ cao su.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cao su đạt thấp. Đối với hồ tiêu, toàn tỉnh có khoảng 7.800 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 6.677 ha, sản lượng khoảng 24.300 tấn. Trong định hướng phát triển, tỉnh phấn đấu tăng diện tích lên khoảng 10-11 ngàn ha vào năm 2030.

Toàn tỉnh có khoảng 37.500 ha bắp. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu này chỉ cung cấp hạt bắp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi xuất khẩu ở các địa phương khác. Vì vậy, tỉnh đang thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, gia cầm để nâng cao giá trị đối với loại cây này. Các loại rau, đậu đỗ cũng là nguồn nguyên liệu lớn để chế biến phục vụ xuất khẩu. Gia Lai hiện có gần 80 ngàn ha mì gắn với các nhà máy chế biến tinh bột. Tỉnh cũng đang nỗ lực nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm mì lên trên 150 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng đang là thế mạnh của tỉnh, nhưng các sản phẩm từ chăn nuôi vẫn chưa đem về giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân là do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có quỹ đất lớn để phát triển rừng trồng, rừng nguyên liệu giấy, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng… để phát triển ngành công nghiệp chế biến hướng đến xuất khẩu.

Hiện nay, thị trường châu Âu chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà phê nhân xô, sản phẩm gỗ... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiêu thụ chủ yếu cao su, mì lát, cà phê, sản phẩm gỗ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Mặc dù giá trị xuất khẩu tăng trưởng qua từng năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài nâng cao giá trị, việc liên kết sản xuất để tăng mạnh diện tích đạt các chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời chủ động được sản lượng hàng lớn, chất lượng đồng nhất, từng bước giải quyết vấn đề sản xuất manh mún, quy mô nông hộ.

Hiện nay, quy mô sản xuất, chế biến nông sản tại tỉnh còn nhỏ lẻ, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm xuất khẩu dạng thô còn chiếm tỷ trọng lớn, chưa cho giá trị gia tăng cao; việc phát triển thương hiệu nông sản còn nhiều thách thức, hạ tầng logistics chưa phát triển.

Phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế” được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân-Chuyên gia Kinh tế cấp cao-cho rằng: Hiện nay, các đơn vị có ý định đầu tư vào địa phương để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đều rất quan tâm đến vấn đề nguồn hàng, cơ sở hạ tầng đáp ứng như thế nào... Đây là vấn đề tỉnh cần sớm nhìn nhận xem còn thiếu và yếu ở điểm nào để có chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có một bộ phận hướng dẫn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Việc xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững không chỉ đòi hỏi nguồn vốn, công nghệ mà còn cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm