(GLO)- Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa có báo cáo tình hình gây hại, biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh khảm lá virus trên địa bàn tỉnh.
Sâu keo ăn lá cây, phân sâu như mùn gỗ nằm rải rác từ ngọn xuống gốc cây. Ảnh: Chí Hào |
Theo đó, tính đến ngày 7-8, sâu keo mùa thu gây hại cây ngô tại 14/17 huyện, thị xã với diện tích bị nhiễm trên toàn tỉnh là 5.673,35 ha. Trong đó, diện tích bị nhiễm nhẹ là 1.124,88 ha; diện tích bị nhiễm trung bình là 3.133,31 ha; diện tích bị nhiễm nặng là 1.415,16 ha. Các địa phương đã tổ chức phòng trừ được 4.500 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu gây hại. Cụ thể, 2.743 ha được xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật (phun từ 2-3 lần) đạt hiệu quả 70-80%; 1.757 ha chỉ xử lý thuốc bảo vệ thực vật 1 lần nên sâu keo mùa thu tái phát, đạt hiệu quả dưới 50%.
Đối với bệnh khảm lá virus hại sắn, tính đến ngày 7-8, toàn tỉnh có 1.817,8 ha sắn bị bệnh khảm lá virus tại 6/17 huyện, thị xã. Trong đó, diện tích bị bệnh nhẹ là 1.376,43 ha; diện tích bị bệnh trung bình là 422,97 ha; diện tích bị bệnh nặng là 18,4 ha. Bệnh gây hại tập trung trên các giống sắn HL-S11, KM 419, KM 140, KM 98-5. Đến nay, chỉ mới có huyện Ia Pa tổ chức tiêu hủy được 13,3 ha sắn bị bệnh khảm lá virus.
Để chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh khảm lá virus gây hại, các cơ quan chuyên môn và địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức hàng trăm buổi tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền với khoảng 4.050 người tham gia để nâng cao nhận thức người dân về dấu hiệu nhận biết, tác hại và cách phòng trừ sâu bệnh gây hại. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại cho nông dân.
Chí Hào