Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai:Vốn tín dụng ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc tập trung đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên.
Tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 36.465 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2017; tổng dư nợ cho vay đạt 86.370 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2017. “So với các năm trước thì tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm và thấp hơn. Tuy nhiên, điều này cho thấy, các ngân hàng đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung đầu tư cho các nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên của tỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Một khi kinh tế địa phương có bước tăng trưởng thì đương nhiên hoạt động ngân hàng cũng được hưởng lợi”-ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cho biết.
 Nông nghiệp-nông thôn vẫn là thị trường hút vốn mạnh nhất, được các ngân hàng ưu tiên nguồn lực đầu tư. Ảnh: Đức Thụy
Nông nghiệp-nông thôn vẫn là thị trường hút vốn mạnh nhất, được các ngân hàng ưu tiên nguồn lực đầu tư. Ảnh: Đức Thụy
Tăng trưởng tín dụng đi vào chiều sâu, thực chất hơn được thể hiện rõ nét khi các ngân hàng nỗ lực trong công tác huy động vốn, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cung ứng vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tỷ trọng dư nợ chiếm 49,4% tổng dư nợ; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.843 tỷ đồng/2.451 khách hàng; cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đạt 8.897 tỷ đồng/258 doanh nghiệp; cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 1.195 tỷ đồng/37 khách hàng; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên đạt 4.416 tỷ đồng/4.350 khách hàng… Bên cạnh đó, các ngân hàng đã tập trung nghiên cứu đa dạng hóa các phương thức cho vay, áp dụng các thời hạn cho vay phù hợp để tạo điều kiện cho người dân vay vốn và trả nợ; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do cây hồ tiêu chết, giúp tái đầu tư sản xuất và ổn định cuộc sống.
​Mở rộng mạng lưới hoạt động gắn liền với mở rộng đầu tư tín dụng, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng là điểm nhấn đáng chú ý của ngành Ngân hàng trong năm qua. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của ngành, cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu, yêu cầu phát triển tất yếu của các ngân hàng lẫn khách hàng. Theo đó, mạng lưới ngân hàng tiếp tục được củng cố và mở rộng với sự kiện khai trương 4 chi nhánh và ra mắt 12 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại, nâng tổng số điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh lên 134 điểm (TP. Pleiku có 56 điểm; các huyện, thị xã 78 điểm).
Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh về thị phần lẫn sức ảnh hưởng, để khẳng định được vị thế, các ngân hàng không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động; lựa chọn phân khúc thị trường đầu tư phù hợp với định hướng kinh doanh để mở rộng tín dụng. “Tín dụng phải rót vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực chất. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững”-ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-khẳng định. Cũng theo ông Thu, trong năm 2018, Agribank Đông Gia Lai tích cực mở rộng tín dụng cho địa bàn nông thôn, hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đa canh, nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, Chi nhánh cũng chú trọng đầu tư cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp… Nhờ đó, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 10.264 tỷ đồng, huy động vốn đạt 5.067 tỷ đồng, quy mô tăng trưởng hơn 20%/năm. 
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm