Phóng sự - Ký sự

Già làng A Blong dắt bà con bước qua lời nguyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một "câu chuyện cổ tích" được viết nên ở vùng biên giới bắc Tây Nguyên, về già làng A Blong, một cựu quân nhân của Đoàn Đăk Tô, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, người đã anh dũng dắt tộc người Rơ Măm ở làng Le xuống núi lập làng, góp sức xây dựng chương trình nông thôn mới, đem lại cuộc sống no đủ cho bà con.

Câu chuyện lập làng

Theo A Blong, ngày trước cuộc sống của người Rơ Măm hết sức đơn giản. Họ mặc khố làm bằng sợi của vỏ cây Loong Ptô. Sau khi chặt về, họ đập nhỏ, ngâm nước, tuốt lấy sợi rồi dệt khố. Chặt, đốt, chọc, tỉa là phương thức canh tác chủ yếu.

Già làng A Blong đan gùi truyền thống... Ảnh: Lê Quang Hồi

Già làng A Blong đan gùi truyền thống... Ảnh: Lê Quang Hồi

Một cặp vợ chồng có thể sinh tới 7 đến 9 đứa con, nhưng do cuộc sống thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật phát sinh không có thuốc chữa trị, nên may lắm thì còn 1 - 2 đứa sống sót.

Trở về với làng bản sau bao năm phục vụ trong quân đội, thấy những ngôi nhà tranh lụp xụp, những cái chòi lúa trên nương chưa đến vụ mà đã trống trơn…, thương bà con, nhiều đêm ông không ngủ được. Ý nghĩ "mình là bộ đội Cụ Hồ, là cán bộ, đảng viên quân đội trở về, nay lại làm cán bộ giáo dục nhưng để cho bà con dân làng đói khổ, bệnh tật là có tội, phải làm việc gì đó cứu lấy người Rơ Măm" cứ thôi thúc ông. Cuối cùng, ông quyết định động viên bà con "xuống núi" lập làng.

Đầu năm 1980, thời gian A Blong thông báo ý định vận động bà con xuống núi để trồng lúa nước, trồng cây mì (sắn)… nhằm ổn định cuộc sống, nhiều người Rơ Măm giật mình, hoảng hốt: "Thằng A Blong điên rồi. Chắc nó đã quên hết, cái đầu nó nghĩ thế là phạm lời nguyền của ông bà, tổ tiên, nên sẽ bị Yang phạt. Phải phạt nó một con bò, chục ghè rượu để cúng Yang tạ tội thôi…". Phạt thì cứ phạt, mà làm thì cứ làm, sau nhiều ngày kiên trì vận động, A Blong đã đưa được gia đình mình cùng gia đình 3 đảng viên trong tộc người Rơ Mâm rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống lập làng Le ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bây giờ.

... và chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: Lê Quang Hồi

... và chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: Lê Quang Hồi

A Blong nhớ lại lời Bác dạy: "Đảng viên phải tiên phong đi trước, gương mẫu nói điều hay, làm việc tốt...". Công việc đầu tiên khi xuống núi là làm nhà, khai hoang đất trồng lúa nước, trồng củ mì để kiếm cái ăn. Gia đình mình no đủ, có cái ăn, cái để, con cái được học cái chữ, ốm đau có thuốc chữa bệnh... thì mọi người chắc sẽ cùng anh về làng mới.

Nói thì vậy nhưng làm thì khó lắm, không quen với địa hình, thời tiết "chân núi", không biết trồng cây lúa vào thời gian nào cho phù hợp, nên buổi đầu "đội quân tiên phong" trồng gần 3 sào lúa hiệu quả không đáng kể. Buồn cái bụng và cũng lo "sáng kiến" của mình bị thất bại, A Blong tìm đến bộ đội biên phòng Kon Tum, bộ đội địa phương nhờ giúp đỡ. Cuối cùng thì những ruộng lúa của anh cũng xanh tốt, những bông lúa dài như đuôi bò, nặng hạt, những nương mì, bắp xanh tốt, bội thu.

A Blong tiếp tục băng rừng, lội sông về tận vùng xuôi mua gà, heo, bò giống về nuôi. Đất rộng, cỏ tốt, heo, gà, bò lớn như thổi, béo mập và phát triển rất nhanh. Mô hình "làng mới" của A Blong bước đầu thành công mà không thấy Yang phạt. A Hlới - người phản đối kịch liệt quyết định "xuống núi lập làng" của A Blong, nói với mọi người: "Yang thương người Rơ Măm mình rồi! Phải xuống núi theo A Blong thôi". Thế là cả tộc người Rơ Măm cùng kéo về làng Le dựng nhà, khai hoang đất trồng lúa, bắp, mì... A Blong trở thành "nhạc trưởng" chạy đi chỗ này, chạy lại chỗ kia vừa hướng dẫn bà con cách cuốc đất, lật cỏ, bón phân, gieo trồng, vừa mở kho chia hết số lúa, bắp thu được từ vụ mùa trước để cho dân làng làm giống. Nhà nào đói A Blong cho mượn heo, bò để nhân giống... Đến nay, mọi người ở làng Le đều biết trồng lúa nước, bắp lai, kinh tế ổn định mà nhiều bà con dân tộc dọc tuyến biên giới đã về học tập, làm theo, lập làng, xây dựng cuộc sống mới xung quanh làng Le dọc quốc lộ 14C.

Người Rơ Măm treo ảnh và thờ Bác Hồ

Đến nay, chuyện người Rơ Măm bỏ đi hủ tục "người chết chôn chung, ốm đau tại Yang"... được coi là chuyện "động trời" có một không hai. A Blong biết, bệnh dịch lan truyền từ ăn uống không hợp vệ sinh. Khi trong làng có người chết thì bà con cứ bật nắp quan tài để đưa xác người chết sau đè lên người chết trước... làm vi trùng khuếch tán và lây lan nhanh, nên phải nhanh chóng vận động bà con dùng xoong, nồi để nấu và ăn thức ăn đã được rửa sạch, nấu chín. Trong làng có người chết thì đưa lên nghĩa địa...

X

Niềm vui của già làng A Blong khi nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Quang Hồi

Vẫn biết đây là "cuộc chiến" lâu dài, khó khăn, song ông vẫn quyết tâm thực hiện. Nhiều người bảo A Blong điên, vi phạm "lời nguyền" của ông bà tổ tiên để lại sẽ bị Yang trừng phạt. A Blong thì lý giải theo suy nghĩ của mình, rằng lúc còn sống Bác Hồ đã dạy "làm cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố làm và làm cho được...".

Năm 1989, đang thực hiện cuộc vận động thì làng Le có một người chết. A Blong không để người dân đem chôn chung mà đưa chôn trong nghĩa địa. Hơn 30 người phản ứng quyết liệt và đòi đem A Blong ra xử tội trước dân làng, rồi tiếp tục phạt trâu, bò, heo, gà... A Blong không chùn bước. Theo ông, dân làng phạt thì cứ phạt, việc ông làm đúng thì cứ làm. Bên ông lúc này còn có sự tiếp sức của già A Mlót, A Ren, A Dói, bộ đội biên phòng, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ Đoàn kinh tế 78 (Binh đoàn 15).

"Thời gian đi theo từng con trăng, lúa, bắp vẫn liên tiếp được mùa, gà, heo, bò lớn nhanh và đẻ nhiều con giống. Người trong làng không có ai chết vì đói, rét và bệnh tật... Yang thương A Blong rồi! Vì A Blong làm đúng. Thế là tất cả tộc người Rơ Mâm đều nghe và bắt đầu làm theo... Đến nay người Rơ Măm đã khai hoang và trồng được 90 ha cây mì, 80 ha lúa nước, 70 ha cây cao su tiểu điền cùng với hàng trăm con heo, bò, dê các loại. Riêng gia đình A Blong trồng được 4 ha cao su, 2 ha trồng mì, 2 sào lúa nước, 3 con bò..., thu nhập một năm từ 100 - 150 triệu đồng.

"Trẻ em đến tuổi đều được đi học, cô Y Ly Trang đã làm Giám đốc Sở Ngoại vụ; anh Rơ Chăm Mon, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Kon Tum; Y Hương, A Kết đã học trường Đại học Tây Nguyên... Trên 97% số hộ có xe máy, 100% số hộ có nhà xây tường gạch sạch đẹp, có ti vi", ông A Dói cho biết.

Vợ chồng già làng A Blong. Ảnh: Lê Quang Hồi

Vợ chồng già làng A Blong. Ảnh: Lê Quang Hồi

Cuộc sống du canh, du cư với phương thức "chặt, đốt, chọc, tỉa"; hủ tục người chết chôn chung đã không còn. Tất cả các gia đình đều treo ảnh và thờ Bác Hồ với tấm lòng thành kính nhất như để tạ ơn Bác đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Làng Le được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. "Điện, đường, trường, trạm" đã hội tụ đầy đủ, là cơ sở để đưa cuộc sống của bà con Rơ Măm ngày một ổn định, phát triển và thực sự đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng an ninh; là một trong những điển hình của Kon Tum về phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới cực bắc Tây Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Thái, trưởng thôn làng Le cho biết: "Già làng A Blong giỏi lắm, việc gì cũng làm được. Thấy cuộc sống của bà con người Rơ Măm còn khó khăn cái gì là A Blong tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Từ hỗ trợ cây giống, đến hướng dẫn cách trồng chăm sóc, thu hoạch cây lúa nước, cao su đến cây sắn… để bà con làng Le vươn lên không còn cái đói, cái khổ như trước nữa. Một cán bộ trở về từ quân đội, một thầy giáo thương bà con dân làng, nói đúng cái bụng của bà con, làm được nhiều việc tốt, hết mình vì công việc, nên được mọi người nghe theo, làm theo. Người Rơ Măm có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ, có công rất lớn của A Blong".

Có thể bạn quan tâm