(GLO)- Nếu theo cách tính tuổi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì Siu Luynh-vị già làng của Plei Hrang-đã có “80 mùa rẫy”, nhưng trông ông còn tráng kiện lắm. Ở cái tuổi nhiều người đã về với thế giới atâu, vậy mà từ việc ruộng rẫy, chăn nuôi, hướng dẫn con cái vun vén phát triển kinh tế gia đình, học tập đến quan tâm công tác xã hội… việc nào ông cũng thành thục và thành công.
Có thể nói, đôi chân ông hầu như không biết mỏi theo những dặm dài, trên những đồng đất đỏ bazan quê hương. Dân ở xã Ia Kriêng cũng như cả huyện Đức Cơ ai cũng nể phục và quý mến ông.
Già làng Siu Luynh. Ảnh: T.Q.T |
Tiếp khách vào một buổi chiều cuối mùa mưa trong căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi, vị già làng vừa rót ly trà nóng mời chúng tôi, vừa chậm rãi kể: ông vào bộ đội năm 1960, sau đó ông gặp vợ ông bây giờ, họ thương nhau, lấy nhau năm 1966. Theo luật tục của người Jrai, Siu Luynh về ở bên nhà vợ. Rời quân ngũ thuộc đơn vị H15 Tỉnh đội Gia Lai với cấp bậc Thiếu úy, sau chiến dịch Plei Me, ông trở về quê nhà. Vợ chồng ông vừa lo làm lụng để phát triển kinh tế gia đình, vừa nuôi dạy con cái và tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Suốt từ năm 1971 đến năm 1998, liên tục trong 27 năm ông Siu Luynh nắm giữ nhiều trọng trách ở xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ). Ông đã trải qua các chức vụ từ Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy, rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã..., nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Xã Ia Kriêng quê hương ông ngày càng đổi thay, kinh tế-xã hội từng bước phát triển ổn định; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, vì thế công đầu phải nhớ đến chính là ông-vị thủ lĩnh đầy tâm huyết một thời.
Nhiều người cũng nể phục bởi ông không chỉ thành công trong công tác xã hội mà còn trong việc nuôi dạy con cái. Giờ đây các con ông đều đã trưởng thành: Con gái đầu Rơ Mah H’Lói là nông dân giỏi giàu có nhất vùng; con trai thứ Rơ Mah Thương là bác sĩ, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện; con trai kế Rơ Mah Hùng là cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cô con gái tiếp theo là giáo viên Tiểu học, cậu út hiện là cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15). Ông cũng là nông dân sản xuất giỏi khi mỗi năm thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng từ 2 ha cà phê, 3 ha điều, 500 trụ hồ tiêu, lúa rẫy, mì, bắp, cây ăn quả các loại… Ngoài ra, ông còn nhận chăm sóc và khai thác 2 ha vườn cây cao su của Công ty 75. Nhờ đó, ông có điều kiện sắm máy xát lúa, máy xay tiêu, máy cắt cỏ, máy bơm nước, xe công nông... trở thành người đi đầu trong việc cơ giới hóa nông nghiệp.
Kinh nghiệm ở chiến trường, những năm làm cán bộ địa phương và đức tính cần cù đã giúp ông có một phương pháp tuyên truyền, vận động rất hay, rất hiệu quả. Ông nói, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ tin và làm theo khi thấy cán bộ “cái miệng nói đi đôi với bàn tay làm” và phải có kết quả cụ thể. Nói được, làm được, nhiều năm liên tục với cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn và già làng, ông đã góp công đưa làng Hrang liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa và trở thành làng có kinh tế ổn định nhất xã Ia Kriêng. Già làng Siu Luynh cũng vận động nhân dân một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; yên tâm lao động sản xuất, không nghe lời kẻ xấu. Nhờ vậy, tình hình trật tự trị an của làng Hrang luôn được giữ vững, không có người vượt biên, không xảy ra trộm cắp; các đoàn thể của thôn phát huy hiệu quả công tác; con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; thanh niên đủ tuổi chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ Quân sự; văn hóa, xã hội được phát triển theo hướng bảo tồn nét đẹp truyền thống, vừa tiếp thu yếu tố văn minh, hiện đại...
Bây giờ về Hrang ai cũng trầm trồ khi thấy đường làng rộng thênh thang, có điện, có nước sạch; nhân dân trong làng tự nguyện đóng góp công sức, tiền của khôi phục lại ngôi nhà rông truyền thống. Các kỳ lễ hội, nhịp cồng, tiếng chiêng vẫn vang vang hòa vào những vòng xoang. Làng đã xuất hiện nhiều triệu phú, cây cầu từ trung tâm xã Ia Kriêng về làng Hrang đã được xây mới thay thế chiếc cầu gỗ chênh vênh. Già làng Siu Luynh vui lắm, vui cho dân làng của mình có sự đổi đời, yên vui và quan trọng là người dân từng bước thoát khỏi cái đói, cái nghèo…
Trần Quốc Trung