Giáo dục

Tin tức

Già làng tích cực tham gia khuyến học, khuyến tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xưa nay, già làng luôn được người dân kính trọng, tin yêu và là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư. Vì thế, vai trò và vị thế của già làng trong công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng được phát huy.

Cô con gái của ông Siu Ho (làng Nhã, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) vừa tốt nghiệp đại học. Cả làng ai cũng vui mừng, và người mừng nhất có lẽ là già làng Ralan Tuyết. Cũng bởi, việc học của lớp trẻ trong làng luôn là niềm trăn trở của ông: “Mình luôn mong cho con cháu biết được nhiều kiến thức, theo học trung cấp, cao đẳng, đại học. Có như vậy, cuộc đời của chúng mới thoát khỏi đói nghèo và giúp ích cho làng, cho xã”-ông Tuyết bày tỏ.

 Già làng Ralan Tuyết (bìa phải) thường xuyên đến thăm, động viên người dân làng Nhã (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) quan tâm đến việc học của con em. Ảnh: T.D
Già làng Ralan Tuyết (bìa phải) thường xuyên đến thăm, động viên người dân làng Nhã (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) quan tâm đến việc học của con em. Ảnh: Trần Dung


Những năm qua, ông Tuyết là một trong những hội viên tích cực của Hội Khuyến học xã Ia Blang. Ông dành thời gian tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm tới việc học của con em, động viên, khích lệ tinh thần học tập của con trẻ. Đối với những hộ còn nhiều khó khăn, ông tới tận nhà gặp gỡ, chuyện trò, tâm sự và tìm cách gỡ khó. “Làng Nhã có 120 hộ, trong đó, 101 hộ đăng ký các mô hình học tập năm 2022. Trong làng có trên 100 cháu đang trong độ tuổi đến trường, 8 cháu đang theo học hệ cao đẳng, đại học”-ông Tuyết cho biết.

Theo bà Lê Thị Lý-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Blang: Phong trào khuyến học ở địa phương đạt được kết quả tốt có phần đóng góp không nhỏ của các già làng. Hiện 5 già làng đều tích cực tham gia công tác khuyến học. Họ là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Con cháu trong làng rất nghe lời các già theo học cái chữ để thay đổi cuộc sống. Năm 2022, xã có trên 2.000 hộ đăng ký gia đình học tập, 5/5 đơn vị đăng ký đơn vị học tập, 11/11 cộng đồng đăng ký cộng đồng học tập.

Xã Ia Phí (huyện Chư Păh) có 100% dân số là đồng bào Jrai. Với nhiều gia đình ở đây, việc học của con cái chưa trở thành ưu tiên hàng đầu bởi họ còn phải lo cái ăn, cái mặc. Chị Rơ Châm Hen (làng Yăng 2) chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khổ nên việc học của các con cũng không được quan tâm. Nhờ có già làng Rơ Châm Rích và Hội Khuyến học xã đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ về vật chất và tinh thần như: quần áo, sách vở, gạo… 3 con tôi có thêm điều kiện để tiếp tục đến trường”.

Nhìn lũ trẻ trong làng hàng ngày tung tăng cắp sách tới trường, già làng Rơ Châm Rích không giấu được niềm vui. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn rất tâm huyết với việc chung của làng, của xã. Hiện ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Phí. “Với vai trò là già làng và là người làm công tác khuyến học ở địa phương, mình đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong vùng dân tộc thiểu số. Ngoài việc thường xuyên nắm bắt tình hình và khuyến khích tinh thần học tập của các cháu, mình còn thường xuyên rà soát những trường hợp gia đình khó khăn cần giúp đỡ để báo lại với chính quyền địa phương tìm cách hỗ trợ. Hội Khuyến học xã cũng phối hợp chặt chẽ với các trường học trong công tác vận động trẻ đến trường, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và những hệ lụy đáng tiếc xảy ra”-ông Rích cho hay.

Với sự nỗ lực không ngừng của ông Rơ Châm Rích, công tác khuyến học ở Ia Phí có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn xã có 13/13 làng và 4/4 đơn vị trường học có chi hội khuyến học. Ông Trần Ngọc Sinh-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Chư Păh-cho biết: “Già làng Rơ Châm Rích đã thể hiện vai trò gương mẫu, đầu tàu trong tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ đó mà nhiều năm liền, Ia Phí có nhiều con em vượt khó học giỏi. Toàn xã cũng đã có tới 550 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”.

Trao đổi với P.V, ông Ngô Minh Thúy-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh-cho biết: Với uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, tham gia nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, các già làng trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. Các cuộc vận động xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”… được đội ngũ già làng tuyên truyền sâu rộng, góp phần lan tỏa và khuyến khích tinh thần học tập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khuyến học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 155.279 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”; 564 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”; 1.442 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký “Cộng đồng học tập” và 596 đơn vị (do xã, phường, thị trấn quản lý) đăng ký “Đơn vị học tập”. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục động viên, tạo điều kiện để các già làng tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tăng cường vận động xây dựng và quản lý có hiệu quả quỹ khuyến học, khuyến tài; mở rộng hình thức học bổng khuyến học ở từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị”-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhấn mạnh.

 

TRẦN DUNG
 

Có thể bạn quan tâm