Kinh tế

Nông nghiệp

Giá mủ cao su tăng cao trở lại, sao người trồng vẫn bất an?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù giá mủ cao su tăng cao sau nhiều năm liền trượt dốc nhưng những diễn biến giá cả thất thường khiến người trồng cao su chưa hết lo âu. Quá trình tái đầu tư, nâng cao năng suất cây “vàng trắng” này cũng không hề đơn giản.

Giá “vàng trắng” cao su chập chờn, nông dân vẫn bất an
Giá “vàng trắng” cao su chập chờn, nông dân vẫn bất an



Giá cao không ổn định

Ông Ngô Công Ngân-Phó Chủ tịch UBND xã An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) - kể: Gia đình ông có 3 ha cao su đang khai thác. Trung bình, mủ cao su nước đạt 35-40 độ.

Năm 2011, giá mủ nước tăng cao nhất với 900 đồng/độ. Vài năm sau đó, giá trượt dài chỉ còn 240-250 đồng/độ. Nhưng từ giữa tháng 9 năm nay, giá mủ liên tục tăng lên hơn 300 đồng/độ nên nông dân rất vui mừng.

Đầu tháng 11, giá mủ cao su nước tăng vọt lên 370 đồng/độ, tương đương 13.000-14.000 đồng/kg. Trong khi hồi đầu vụ (khoảng cuối tháng 5), giá mủ nước chỉ ở mức 8.000-9.000 đồng/kg.

 

Giá mủ cao su tăng cao, người trồng vui mừng.
Giá mủ cao su tăng cao, người trồng vui mừng.


Trung bình 1 ha cao su trồng khoảng 500 gốc. Mỗi nhà chỉ cần có 1 ha cao su chăm sóc tốt và tự cạo mủ có thể thu từ 14-15 triệu đồng/tháng.

So với thời kỳ đỉnh cao, giá mủ cao su hiện tại chỉ bằng một phần ba. "Nhưng so với năm 2019 vừa qua, thì giá vẫn tăng. Nếu giá cả tăng cao ổn định thì người dân rất phấn khởi", ông Ngân nói.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cao su tăng mạnh có nguyên nhân từ ngành ô tô toàn cầu phục hồi lại sau giai đoạn dài ảm đạm do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là nhu cầu ở Trung Quốc tăng mạnh theo đà phục hồi sản xuất của nước này.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá: Nguyên nhân giá cao su thế giới phục hồi chủ yếu đến từ thiếu nguồn cung, bởi mùa mưa tại Thái Lan. Cùng với đó là hiệu quả khai thác mủ thấp do áp lực thiếu hụt lao động vì giãn cách dịch Covid-19.

Báo cáo triển vọng ngành quý IV/2020 của BSC cho biết, giá cao su phục hồi đã hỗ trợ mảng lợi nhuận cao su trong tháng 9. Tuy nhiên, BSC đánh giá, diễn biến này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn.


 

Giá mủ cao su tăng nhưng diễn biến thất thường
Giá mủ cao su tăng nhưng diễn biến thất thường


Ông Điểu Dương, hộ nông dân trồng cao su ở xã An Khương cho biết, giá tăng cao là tín hiệu mừng để nông dân có thêm thu nhập. Nhưng thực tế giá cả vẫn diễn biến thất thường. Cao su mỗi tuần mỗi giá. Thậm chí thay đổi từng ngày, khiến nhiều nông dân chưa hết lo âu.

Ông Dương nhẩm tính, đầu năm 2020, giá mủ nước 35-40 độ dao động từ 8.400-9600 đồng/kg. Đầu tháng 11, giá tăng lên 13.000-15.000 đồng/kg nhưng đến giữa tháng giảm xuống từ 10.500 -12.000 đồng/kg. Trong những ngày tới cũng khó dự đoán được giá tăng hay giảm.

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, giá thông báo thu mua mủ nước ngày 28/10 ở mức 385 đồng/độ. Mức giá này đã tăng 95 đồng/độ so với cuối tháng 9. Nhưng ngày 10/11, giá thu mua mủ nước giảm chỉ còn 320 đồng/độ. Đến ngày 20/11, giá thu mua của công ty này mới nhích lên lại mức 330 đồng/độ.

Không dễ thay giống mới

Không chỉ giá cả bấp bênh, việc tái đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất mủ cao su của nông dân cũng gặp không ít khó khăn. Tại TX.Bình Long, ông Trương Quang Vương - cán bộ kỹ thuật Công ty cao su Bình Long kể: Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên vườn cao su 1,5 ha bằng giống PB260 của ông phát triển tốt, mũ nước đạt 40 độ.

Duy trì cạo chế độ D3 (cứ 3 ngày cạo một lần), đợt giá tăng vừa qua, ông Vương có thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. "Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiên trì chăm sóc cao su đúng kỹ thuật, trong thời gian dài để chờ giá tăng" - ông Vương nói.

 

Ông Điểu Dương chăm sóc vườn cao su. Ảnh I.T
Ông Điểu Dương chăm sóc vườn cao su. Ảnh I.T



Nguyên nhân là sau một thời gian dài cao su trượt giá, đã có nhiều hộ dân bỏ bê việc chăm sóc, hoặc mướn người cạo không đúng kỹ thuật, cạo phạm nhiều lần, dẫn đến hư miệng cạo. Phải cần 1 thời gian dài để phục hồi thì vườn cây mới cho sản lượng cao su trở lại.

Ông Điểu Dương (xã An Khương) cho hay, gia đình có 5,2ha trồng cao su. Nghe tin giá mủ tăng, cách đây hơn một tháng ông Dương đã mở miệng cạo trở lại 3,6ha cao su vốn đã ngưng cạo từ năm 2015. Tuy nhiên, do trồng bằng giống cũ nên năng suất thấp.

Cũng cạo mủ theo chế độ D3 nhưng độ mủ từ vườn ông Dương chỉ đạt 35 độ; tương đương 10.500 đồng/kg mủ nước. Mỗi lần cạo, gia đình ông chỉ thu về 600.000-700.000 đồng.

Ông Ngô Công Ngân cho biết: Cao su là cây công nghiệp gắn bó lâu năm với nông dân Bình Phước. Nhưng sau thời gian dài cao su xuống giá, nhiều người đã bỏ bê chăm sóc, không cạo mủ vì giá bán ra không đủ bù chi.

 

Thu mua mủ cao su ở Bình Phước. Ảnh IT
Thu mua mủ cao su ở Bình Phước. Ảnh IT


Bình Phước hiện là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất nước với hơn 230.000 ha. Trong đó, hơn 60% diện tích thuộc các công ty nhà nước, còn lại được trồng trong các nông hộ.

Xã An Khương có khoảng 25% diện tích cao su tiểu điền được các nông hộ trồng bằng giống cũ. Trước đây, người dân đa phần trồng cao su tự phát nên cũng chưa tiếp cận được các loại giống cao su chất lượng cao. Cao su lại trồng trên vùng đất sỏi nên năng suất thấp.

Thực trạng hiện nay khiến nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang trồng giống mới năng suất cao. Nhưng cây cao su nếu được chăm sóc tốt thì cũng phải mất 5-6 năm mới cho thu hoạch mủ.

 


"Bên cạnh việc mong muốn được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tiếp cận các nguồn giống tốt, địa phương cũng mong có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân do quá trình chuyển đổi kéo dài", ông Ngân nói.

https://danviet.vn/gia-mu-cao-su-tang-cao-tro-lai-sao-nguoi-trong-van-bat-an-20201202062925773.htm
 

Theo TRẦN KHÁNH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm