Kinh tế

Nông nghiệp

Giá sắn tiếp tục tăng mạnh, cám cảnh vì nhiều nông dân không được hưởng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giá khoai mì (sắn) ở nhiều địa phương tiếp tục duy trì ở mức cao, nhưng nhiều nông dân không được hưởng lợi, do khoai mì bị mất mùa vì thiên tai, dịch bệnh.

Giá sắn (khoai mì) tăng vù vù

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, giá sắn (khoai mì) ở nhiều tỉnh thành tiếp tục duy trì ở mức cao.

Nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì Gia Lai hiện đang thu mua khoai mì của nông dân với giá 3.100 đồng/kg. Mức giá sắn hiện nay đang cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.

Giá khoai mì vụ này tăng cao nhưng đáng tiếc là nhiều nông dân không được hưởng lợi do khoai mì bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.

 

Giá sắn (khoai mì) vẫn giữ ở mức cao từ đầu năm đến nay
Giá sắn (khoai mì) vẫn giữ ở mức cao từ đầu năm đến nay


Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 13.000ha khoai mì. Phần lớn vùng nguyên liệu khoai mì của tỉnh bị ảnh hưởng bởi bệnh khảm lá. Cùng với ảnh hưởng từ mưa bão, năng suất vụ khoai mì năm nay kém, sản lượng giảm sâu.  
Năm nay, tỉnh Quảng Ngãi xuống giống hơn 14.200ha khoai mì. Tuy nhiên, bệnh khảm lá cũng đã lây nhiễm ở nhiều địa phương. Tổng diện tích nhiễm bệnh hiện đã hơn 2.400ha.

Trong đó, huyện Sơn Hà là địa phương có diện tích khoai mì bị nhiễm khảm lá nhiều nhất, với khoảng 2.000 ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, Quảng Ngãi bùng phát bệnh khảm lá mì.

Diện tích nhiễm bệnh này bùng phát mạnh nhất trên các giống mì KM140 và KM94. Bệnh khảm lá nhanh chóng lây lan trên diện rộng khi người dân mới xuống giống được từ 1 – 3 tháng. Thời gian tới, nhiều khả năng bệnh khảm lá sẽ không dừng lại ở diện tích này mà còn tiếp tục tăng cao.

 

 Ruộng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá sắn ở Quảng Ngãi. Ảnh C.P
Ruộng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá sắn ở Quảng Ngãi. Ảnh C.P


Tại Bình Phước, diện tích trồng khoai mì của tỉnh gần 6.000ha. Cây khoai mì ở đây không chỉ bị nhện nhỏ và bệnh chổi rồng tấn công mà bệnh khảm lá cũng lan rộng nhiều nơi.

Diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất là ở huyện Chơn Thành với 230ha; chiếm 26% trong 870ha diện tích khoai mì toàn huyện.  

Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước dự báo, bệnh khảm lá mì sẽ còn tiếp tục lây lan nhanh nếu không có các biện pháp ngăn chặn.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tăng cường tuyên truyền đến các điểm thu mua, chế biến khoai mì về tác hại của bệnh khảm lá và biện pháp phòng chống.

Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân mua hom giống tại các địa điểm bán giống có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ; không mua hom giống khoai mì từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá nặng.

 

Sở NNPTNT Bình Phước khuyến cáo người dân không mua hom giống khoai mì từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá nặng.
Sở NNPTNT Bình Phước khuyến cáo người dân không mua hom giống khoai mì từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá nặng.


Đồng thời, các ban chức năng của Sở sẽ phối hợp UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra; không cho vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây khoai mì từ vùng bị nhiễm sang vùng chưa nhiễm.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân hạn chế trồng các giống bị nhiễm nặng với bệnh khảm lá như HL-S12, KM140.

Đặc biệt là người dân không trồng giống HL-S11, do giống này hiện nay đã bị cấm mua bán và làm giống để trồng.


Để cắt nguồn bệnh lây lan, ngành nông nghiệp Bình Phước khuyến khích người dân trồng khoai mì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác trong thời gian ít nhất là 1 năm.

Trong thời gian này, nông dân cũng không nên trồng lại các loại cây trồng vốn là ký chủ của bọ phấn trắng, như cà chua, cà tím, bầu bí, ớt, chanh dây…

https://danviet.vn/gia-san-tiep-tuc-tang-manh-cam-canh-vi-nhieu-nong-dan-khong-duoc-huong-loi-20210413141052142.htm



Theo TRẦN KHÁNH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm