Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá sầu riêng, gạo, cà phê tiếp tục lập đỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vừa kết thúc kỳ nghỉ tết, nông dân trồng sầu riêng, cà phê, lúa gạo trên cả nước đã phấn khởi bắt tay vào sản xuất vụ mùa mới khi giá các loại này liên tục lập đỉnh.

Cà phê liên tiếp phá đỉnh

Vừa nghỉ tết đến mùng 3, ông Trương Ngọc Lợi, chủ vườn cà phê tại H.Cư M'gar (Đắk Lắk), đã liên tục tưới vườn 6 ngày liên tiếp: "Trời mấy hôm nay nắng quá, cà phê héo hết nên tôi phải ngừng ăn tết sớm hơn để bắt tay vào chăm sóc vườn. Mấy hôm nay thấy giá cà phê tăng cao quá nhưng nông dân như tôi đa số đều bán từ lâu. Bây giờ phải tập trung cho vụ sắp tới, hy vọng giá cà phê tiếp tục đứng mức cao như thế này", ông Lợi giải thích.

Tâm trạng của ông Lợi là hoàn toàn dễ hiểu khi sáng 18.2, giá cà phê tăng sốc hơn 1.400 đồng/kg, vượt qua mọi đỉnh dự đoán trước đó. Tại tỉnh Đắk Lắk, cà phê hiện đang được thu mua ở mức 80.100 -80.200 đồng/kg, Lâm Đồng từ 79.500 đồng/kg, Gia Lai 80.000 - 80.100 đồng/kg và cao nhất là tại Đắk Nông từ 80.500 đồng/kg.

Nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao

Nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê thừa nhận: "Dù cuối năm trước các DN lớn đều nhận định giá cà phê sẽ tăng nhưng không ai dự đoán được đà tăng mạnh như vậy ngay từ đầu năm 2024. Ở thời điểm hiện nay có lẽ nhà nhập khẩu đã tính toán được sản lượng cà phê toàn cầu, sau khi VN kết thúc vụ thu hoạch. Nguồn cung hạn chế trong khi vận chuyển đường biển gián đoạn, biến đổi khí hậu khó lường khiến cho giá cà phê tăng lên".

Đối với các DN lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng để xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng đã được thu xếp theo kế hoạch. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), thông tin: "Những ngày đầu tháng 2 dù rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán song chúng tôi vẫn miệt mài chuẩn bị hàng để ngay sau tết phát lệnh xuất khẩu. Đến nay các đơn hàng của DN đã được chuẩn bị, vừa nghỉ tết xong thì hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường. Hiện tại vấn đề căng thẳng ở biển Đỏ ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng, tuy nhiên Intimex và một số DN xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng đi) nên gần như không bị tác động gì".

Tại hội nghị tổng kết ngành cà phê niên vụ 2022 - 2023, ông Đỗ Hà Nam cũng đưa ra nhận định cà phê VN sẽ tiếp tục có giá khi phần lớn diện tích được chuyển sang trồng sầu riêng. "Sản lượng cà phê sụt giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng cao hơn năm trước, có thể đạt từ 4,5 - 5 tỉ USD, về lâu dài có thể đạt đến 6 tỉ USD nếu gia tăng sản lượng chế biến sâu", lãnh đạo VICOFA dự đoán. Thực tế, trong tháng 1.2024, xuất khẩu cà phê của VN đã đạt 210.000 tấn, tăng 48% về lượng với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Gạo, sầu riêng vẫn "nóng"

Dịp nghỉ tết năm nay, nhiều vựa sầu riêng tại Tiền Giang gần như không có ngày nghỉ vì ngày nào thương lái cũng "phát giá" đến nhà vườn. Từ mùng 4 tết, giá sầu riêng đã "leo" đến mức trên 200.000 đồng/kg và nằm đến hiện nay. Mức giá này dành cho sầu riêng Thái (Dona) loại 1, và loại 2 từ 180.000 - 185.000 đồng/kg. Theo nhiều nhà vườn, giá sầu riêng cận tết năm nay còn cao hơn năm ngoái do thị trường Trung Quốc hút hàng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Năm 2023 là một năm thắng lợi của ngành sầu riêng VN, với sản lượng xuất khẩu hơn 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Hai tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt vẫn đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá đứng ở mức cao chót vót. Vấn đề của ngành sầu riêng hiện nay là xây dựng thương hiệu, gắn kết chuỗi sản xuất tiêu thụ để liên kết bền vững". Với các tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, ngành rau quả dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt đến 6,5 tỉ USD, trong đó riêng mặt hàng sầu riêng có thể đạt đến 3,5 tỉ USD.

Đối với mặt hàng lúa gạo, từ sau kỳ nghỉ tết, các vựa lúa đã bắt đầu thu mua nhộn nhịp để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Trước Tết Nguyên đán, 7 DN VN đã trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia, dự kiến sẽ giao ngay sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt nhất, phía Indonesia đang có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm 2024.

Theo cập nhật của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 9.300 - 9.500 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 8.800 - 9.200 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg… Các thương lái đánh giá, năm qua giá lúa tăng cao nông dân có lợi nhuận tốt với tâm trạng phấn khởi nên họ sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, nhất là ở những vùng trước đây chỉ trồng hoa màu bây giờ bà con quay lại trồng lúa. Đó là tín hiệu tốt trong việc phát triển ngành lúa gạo.

Ông Đỗ Hà Nam, cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho rằng giá gạo xuất khẩu của VN tăng cao trong thời gian qua có một phần được hưởng lợi do Ấn Độ dừng xuất khẩu. Bước sang năm 2024, nếu nước này xuất khẩu trở lại thì nguồn hàng từ Ấn Độ sẽ dư ra và kéo giá gạo từ các thị trường khác xuống theo.

"Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo của VN dù có giảm trong năm 2024 nhưng sẽ chỉ giảm ở mức độ vừa phải và bình quân 600 USD/tấn, đây là mức giá ổn định và tốt cho nông dân vì trước đây giá gạo xuất khẩu chỉ quanh mức 500 USD/tấn. Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của VN vẫn đang duy trì ổn định, hiện giá gạo 25% tấm ở mức 610 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 637 USD/tấn", lãnh đạo VFA dự báo.

Để giảm bớt rủi ro, DN cần hạn chế bán xa, bán dài hạn, tăng cường đầu tư nhà máy chế biến để mua lúa trực tiếp từ nông dân. Mặt khác, có nhà máy chế biến tồn kho DN cũng ổn định hơn và họ sẽ làm thương mại thuần túy vì đã có ngân hàng hỗ trợ. Lâu nay DN thường mua gạo từ các nhà cung ứng, nhưng gần đây đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã nông nghiệp thương mại, nông dân tập trung bán lúa cho các hợp tác xã, sau đó hợp tác xã bán lúa lại cho DN. Như vậy sẽ giảm bớt khâu trung gian và tránh được rủi ro cho DN. Đây là mô hình tốt cần phát huy.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA

Có thể bạn quan tâm