Giá tiêu hôm nay trên thị trường đang dao động từ 54.500-57.500 đồng/kg và đang có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, diện tích và sản lượng tiêu ở nhiều vùng trọng điểm dự kiến giảm mạnh. Đây sẽ là tín hiệu tốt đối với mặt hàng tiêu khi chịu áp lực dư cung suốt mấy năm qua.
Theo ghi nhận của PV, giá tiêu hôm nay tại một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông đang ở mức 56.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 54.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại vùng trồng tiêu Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai cũng tăng lên 55.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức 57.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Đây cũng là vùng có giá tiêu cao nhất cả nước.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 56.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Dự kiến sản lượng hạt tiêu năm nay giảm, điều này sẽ có tác động tốt đến giá tiêu. Ảnh minh hoạ: I.T |
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, ngoài Lâm Đồng, Bình Phước dự báo hồ tiêu bị giảm sản lượng thì các vùng trồng tiêu trọng điểm như Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến sản lượng cũng giảm mạnh. Điều này được xem là tín hiệu tốt đối với giá tiêu – mặt hàng đang chịu áp lực dư cung suốt từ năm 2016 đến nay.
Cụ thể, tình hình trồng tiêu ở các huyện Đăk Song, Đăk Min, Đăk R'Lấp (tỉnh Đắk Nông) cho thấy tuy ra hoa nhiều chuỗi nhưng cây rất thưa hạt, chưa kể tình trạng một số vườn tiêu chết do thời tiết thất thường, khiến sản lượng dự kiến giảm từ 10-15%.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, Bình Phước) cho biết: Năm nay nhiều vườn tiêu trên địa bàn xã rất xanh tốt, nhưng nhiều cây không cho trái, hoặc cho rất ít.
Toàn xã Thiện Hưng có 3.050 hộ dân thì hơn 1.000 hộ trồng tiêu. Trước năm 2018, diện tích hồ tiêu của xã lên tới 550 ha, tuy nhiên hơn 2 năm trở lại đây, cây tiêu tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm khiến diện tích giảm chỉ còn 250 ha.
Năm nay, rất nhiều vườn tiêu không có trái hoặc cho trái ít khiến nông dân vô cùng lo lắng. Nguyên nhân là do giá xuống thấp nên nông dân ít đầu tư, cộng với thời tiết diễn biến thất thường, một số giống tiêu cứ 1 năm được mùa thì năm sau lại không có trái, do vậy diện tích hồ tiêu không có trái tăng.
Gia đình ông Phạm Văn Đao ở thôn 4, xã Thiện Hưng có 1.500 nọc tiêu. Những năm trước, năm nào gia đình ông cũng thu được 3-5 tấn hạt tiêu. Vậy mà năm nay rất nhiều cây tiêu bị "điếc".
Đến thời điểm này, 90% diện tích tiêu của nhà ông không cho trái, cây chỉ bung đọt và ra lá non, ước tính mỗi nọc chỉ thu được khoảng 2 lạng tiêu.
Tương tự, gia đình ông Vũ Văn Khỏe ở thôn 4, xã Thiện Hưng có 2.000 nọc tiêu nhưng năm nay có khoảng 1/3 diện tích vườn tiêu nhà ông cho rất ít trái, nhiều trụ chỉ lác đác vài chùm.
Theo ông Khỏe, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa, nắng thất thường đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Thêm vào đó vì không thuê được công hái nên thời gian thu hoạch kéo dài khiến cây bị suy kiệt, không kịp phục hồi để phân hóa mầm hoa.
Cũng theo VPA, các khu vực trồng tiêu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho thấy bông ra tốt trong quý II, nhưng do gặp mưa nên cây cho trái thưa hơn vụ trước. Cộng với tâm lí chán nản của bà con vì giá tiêu rớt suốt thời gian dài, khiến nhiều vườn tiêu ít được đầu tư chăm sóc, dẫn tới năng suất cũng bị giảm sút.
Việc giảm sản lượng tiêu khiến nhiều vườn bị thất thu, song lại được giới chuyên gia đánh giá là tín hiệu tốt lên thị trường, sẽ góp phần kéo giá tiêu tăng lên, có lợi cho người nông dân.
Trên thị trường xuất khẩu, trong tháng 10/2020, giá tiêu đen của Việt Nam và Indonessia đã tăng đáng kể, trong khi giá tiêu trắng của Trung Quốc tăng rất mạnh, theo Cộng đồng Hồ Tiêu Quốc Tế (IPC).
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm có chiều hướng tăng lên. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, Trung Quốc sẽ tăng lượng thu mua hạt tiêu sau nhiều tháng nhập khẩu với số lượng thấp.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu tháng 10/2020 đạt 19 nghìn tấn, trị giá 48 triệu USD, so với tháng 10/2019 tăng 11,9% về lượng và tăng 17,1% về trị giá. |
Theo Thiên Ngân (Dân Việt)