“7 phần bán, 3 phần mua” là đánh giá chung của hầu hết các tiệm vàng lớn trên địa bàn TP. Pleiku khi mà khoảng 4-5 ngày gần đây, tình hình kinh doanh vàng khá nhộn nhịp so với trước. Tại Hiệu vàng Vĩnh Thạnh 2 (đường Trần Phú), những ngày qua, khách ra vào liên tục để mua và bán vàng. Ước lượng giao dịch tại hiệu vàng này tăng khoảng 50% so với thời điểm vàng giữ ổn định giá.
Ông Hoàng Ngọc Minh-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hiệu vàng Vĩnh Thạnh 2, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam-cho biết: Trước biến động về giá, người dân không còn kiểu mua ồ ạt để “lướt sóng” như trước kia mà chủ yếu mua để trả nợ những món vay mượn bằng vàng vì áp lực giá lên quá cao. Với mức giá hiện nay, người mua đầu tư rất ít. Không riêng thời điểm này mà cả năm nay, rất ít người đầu tư mua vàng. Tình hình này khác hẳn mọi năm, khi giá lên, người mua nhiều nên cung cầu không cân đối. Còn giờ, lượng người bán nhiều, người mua ít nên vàng không thiếu.
“Đây là đang nói thị trường Gia Lai, chứ diễn biến thị trường thì tùy thuộc từng khu vực, từng tỉnh. Mấy ngày nay, có thời điểm giá vàng đạt mức 74,5 triệu đồng/lượng, nhích hơn đỉnh của năm ngoái 500 ngàn đồng/lượng”-ông Minh nói.
Trong khi đó, tại hệ thống Trung tâm Kim hoàn PNJ, xu hướng bán ra nhiều nhưng lượng khách mua vào cũng tăng hơn ngày thường. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai-Quản lý Trung tâm Kim hoàn PNJ (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), PNJ đang kinh doanh vàng miếng của thương hiệu PNJ và SJC. Khi giá lên cao là lúc lượng người dân đến bán vàng để chốt lời tăng mạnh, chủ yếu là bán vàng nhẫn, vàng miếng. Tuy nhiên, cũng có người đến mua, tập trung vào vàng miếng. Còn vàng trang sức, vàng phục vụ cưới hỏi thì khách mua không nhiều. Sức mua bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 11 và mấy ngày tăng lên đáng kể nên cũng có những thời điểm, vàng miếng bị đứt hàng.
Thị trường mua bán vàng tại TP. Pleiku đang khá nhộn nhịp. Ảnh: V.T |
“Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới tăng từ mức 1.940 USD/ounce lên 2.050 USD/ounce, có lúc lên 2.070 USD/ounce kéo theo giá vàng trong nước tăng mạnh. Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, lạm phát, nhu cầu vàng dịp cuối năm tăng mạnh, cùng với đó các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... hiện đang khá ảm đạm là những yếu tố khiến vàng được ưu tiên phòng vệ trong danh mục đầu tư. Nếu doanh thu vàng miếng của PNJ trong tháng 10-2023 đạt khoảng 5 tỷ đồng thì trong tháng 11 đạt gần 7 tỷ đồng. Đó là vẫn còn nhiều đơn vàng miếng đã chốt giá nhưng PNJ chưa có hàng để giao khách, ước khoảng 2 tỷ đồng nữa”-bà Mai cho biết.
Hiện nay, giá vàng mua vào-bán ra chênh lệch rất lớn, lên đến 1,2-1,4 triệu đồng/lượng tùy tiệm. Như sáng 30-11, vàng miếng SJC có giá 72,5 triệu đồng/lượng mua vào và 73,9 triệu đồng/lượng bán ra; vàng nhẫn SJC (999.9) mua vào 6,13 triệu đồng/chỉ, bán ra 6,245 triệu đồng/chỉ; vàng miếng PNJ mua vào 61,3 triệu đồng/lượng, bán ra 62,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng trang sức PNJ không thay đổi theo biến động thị trường.
Xu hướng khách hàng bán vàng miếng, vàng nhẫn để chốt lời khi giá tăng vọt đang khá phổ biến, nhưng cũng có người lo ngại giá vàng còn tăng cao nên mua để tích trữ. Bà Nguyễn Thị Chi (tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi có thói quen mua vàng cất trữ. Thời điểm tôi mua, giá vàng có lúc là 50 triệu đồng/lượng, có lúc 67 triệu đồng/lượng. Mấy ngày qua, giá vàng tăng cao nên tôi đem bán để chốt lời, cũng trùng với lúc gia đình có công việc cần tiền”.
Còn ông Lưu Quang Hải (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) thì cho biết, từ khi thị trường nhà đất “đóng băng”, ông không đầu tư vào bất động sản mà chia nhỏ suất đầu tư, một ít mua vàng, một ít gửi tiết kiệm. Bây giờ, giá vàng lập đỉnh, ông đem đi bán là đúng thời điểm chốt lời.
Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Minh nhận định: Giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng. Có nhiều dự đoán đến hết quý I-2024, giá vàng có thể sẽ đạt đỉnh 2.100 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ vượt hơn 80 triệu đồng/lượng nếu Ngân hàng Nhà nước không có chính sách can thiệp, điều tiết. Hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất cao, lên đến 13,2 triệu đồng/lượng.
“Giá vàng rất nhạy cảm. Như cách đây 3 tuần, chỉ cần một thông tin rất đơn giản, ngay lập tức vàng SJC bị “đạp giá” xuống 3 triệu đồng/lượng trong một buổi sáng. Nếu có sự can thiệp của Nhà nước thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 5 triệu đồng/lượng. Trong trường hợp nguồn cung vàng SJC không đủ thì tất yếu giá sẽ bị đẩy lên. Hiệp hội đang kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của 3 tập đoàn lớn là SJC, PNJ, DOJI”-ông Minh chia sẻ.