Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá xăng, dầu giảm: Cần có giải pháp để hàng hóa khác giảm theo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục "neo" ở mức cao như: thịt heo, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.
Trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giá mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không giảm đang gây khó khăn cho đời sống người dân. Xăng dầu giảm, giá hàng hóa không giảm-Thực trạng và giải pháp, là nội dung của cuộc Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham dự của các khách mời: Ông Trần Bảo Ngọc-Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT); bà Đinh Thị Nương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực; chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Thời gian gần đây giá xăng, dầu giảm liên tục. Ảnh: Sơn Ca
Thời gian gần đây giá xăng, dầu giảm liên tục. Ảnh: Sơn Ca
Phân tích nguyên nhân khi “xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm”, bà Đinh Thị Nương cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, khi xăng dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.
Về tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” trong hoạt động vận tải, ông Trần Bảo Ngọc thông tin: Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải. Do đó, khi giá xăng, dầu biến động tăng mạnh như thời gian trước hoặc giảm sâu như thời điểm 1 tháng gần đây thì các đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. 
Với những doanh nghiệp vận tải bị phát hiện có vi phạm trong việc kê khai, niêm yết giá, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định: Chúng ta có đầy đủ công cụ, Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, lái xe thậm chí phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá cao hoặc với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó. 
Mặc dù đồng tình với cách lý giải của 2 cơ quan chức năng về chu trình và độ trễ của giá cả thị trường nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng “không thể trễ tới hàng tháng, thậm chí là mấy tháng được”. Vì vậy, trước khi trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và cả ý kiến của người tiêu dùng 
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu ý kiến: Việc tăng giá hay giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên và trong bối cảnh hiện nay việc này có thể sẽ diễn ra thường xuyên. Do đó, bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt cần cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh hơn để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng để thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh. Bên cạnh đó là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên-xuống giá. 
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: Các bộ, ngành cần đưa ra cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm tính bền vững chính sách. Trên hết, cần phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là không nên phản ứng thái quá câu chuyện giá cả. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, ông Lực đồng tình về việc thời gian tới cần thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát để lành mạnh hóa thị trường. Tuy nhiên, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc.
Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá cả hàng hóa, dịch vụ khi giá xăng giảm. Tăng cường kiểm soát việc kê khai giá các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời và giảm giá.
Theo bà Nương, đại diện Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, để có sự điều chỉnh giá hàng hóa cho phù hợp.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm