Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá xăng dầu tăng hay giảm sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá các mặt hàng xăng và dầu dự báo sẽ được điều chỉnh trái chiều nhau vào kỳ điều hành giá ngày 5-9.
Ngày mai 5-9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo quy định, giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày 1-9. Tuy nhiên, do kỳ điều chỉnh này trùng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nên lịch được lùi sang 5-9.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 31-8 cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đột ngột giảm mạnh so với vài ngày trước. Cụ thể, bình quân xăng RON92 là 107,76 USD/thùng; xăng RON95 là 110,99 USD/thùng và 146,46 USD/thùng dầu diesel.
Nếu tính đến ngày 1-9, thì giá xăng dầu có xu hướng tăng mạnh, còn tính đến ngày điều hành 5-9 lại có xu hướng giảm với xăng.
 
Giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày mai 5-9
Giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày mai 5-9
Với diễn biến như trên, tại kỳ điều hành ngày mai, giá bán lẻ xăng trong nước được dự báo giảm nhẹ còn giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, giá xăng ngày mai tăng hay giảm còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập và chi quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho rằng giá xăng trong nước ngày mai có thể giảm từ 200 đến 300 đồng/lít. Trong khi đó, dầu được dự báo sẽ tăng mạnh khoảng 1.800 đồng - 2.000 đồng/lít.
Trước thời điểm kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tháng 9, thị trường xăng dầu trong nước đã xuất hiện những bất ổn. Nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra vấn đề về nguồn cung như đầu năm 2022. Tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, thông báo hết hàng tái diễn tại một số địa phương.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Theo đó, Tổ công tác số 1 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Tổ trưởng, đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các Cục QLTT, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Bắc và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, phản ánh và chỉ đạo kịp thời hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn nêu trên.
Tổ công tác số 2 do Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm Tổ trưởng, phụ trách địa bàn các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa. Tổ công còn lại do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Tổ trưởng, triển khai các nhiệm vụ như trên tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Nam và các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các tổ công tác giám sát việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt các cơ sở có biểu hiện vi phạm khi ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định. Cả 3 Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ đến hết ngày 31-12-2022.
Theo Minh Phong (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm