Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá xăng dầu tăng kỷ lục và ứng xử của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giá xăng tăng kỷ lục và còn tiếp tục tăng đặt ra câu hỏi về các ứng xử của Việt Nam sao cho giảm thiểu những tác động tới nền kinh tế? Theo các chuyên gia, ngoài việc vận hành theo cơ chế thị trường, xóa ưu đãi ưu tiên đối với Nghi Sơn... cần có sự chia sẻ giữa 3 thành tố tham gia thị trường.

Đã đến lúc cần tư duy nghiêm túc hơn về thay đổi hành vi của người tiêu dùng

Với xu hướng tăng của giá xăng hiện nay, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên ứng xử thế nào khi giá xăng tăng kỷ lục? Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng chiến sự Nga – Ukraine sẽ còn kéo dài, không phải 1 sớm 1 chiều là giải quyết được. Với những lệnh cấm, lệnh trừng phạt với Nga của Mỹ và Châu Âu cũng không thể gỡ bỏ được ngay.

"Nhiều khi tuyên bố trừng phạt thì trong "nháy mắt", nhưng để gỡ bỏ phải mất vài năm. Do vậy, hệ lụy khủng hoảng năng lượng của Châu Âu tác động tới toàn cầu còn có thể kéo dài", ông Nghĩa phân tích.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Nghĩa vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là an ninh năng lượng.

"Tôi cho rằng, Chính phủ nên có 1 hội nghị chuyên đề bàn đề an ninh năng lượng lâu dài trong bối cảnh quốc tế như vậy, tình hình quản lý nguồn cung của Việt Nam như hiện nay, tình hình của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, trong tình hình thị trường điều tiết giá, lượng cung cầu còn nhiều vấn đề", ông Nghĩa nêu.


 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Phạm Hưng)
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Phạm Hưng)


Hai là, khi đảm bảo an ninh của nguồn cung thì mới có thể bắt tay giải quyết các vấn đề tiếp theo về giá. Ví dụ: Điều hành nguồn cung như nào, giảm chu kỳ điều hành giá xăng dầu ra sao, giảm thuế như nào?

"Các giải pháp nói ở đây nên chuyển chu kỳ tăng giá, nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nên giảm thuế tỷ giá gia tăng hay không thì cần Chính phủ tính toán và quy định", ông Nghĩa nói

Cũng theo ông Nghĩa, để giá xăng dầu bớt tác động tới kinh tế nói chung và lạm phát, đã đến lúc chúng ta cần tư duy nghiêm túc hơn về thay đổi hành vi của người tiêu dùng, để bớt phụ thuộc vào xăng, như đẩy nhanh sử dụng phương tiện điện, đẩy nhanh sử dụng phương tiện từ xăng sang dầu.... Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, Châu Âu họ đã thành công khi xoay chuyển từ sử dụng từ năng lượng xăng dầu, than sang năng lượng tái tạo rất nhanh.


Những đối sách của Việt Nam với "cú sốc" giá xăng dầu tăng kỷ lục

Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới, TS. Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng chỉ ra 2 chiến lược của các nước trên thế giới.

Thứ nhất, là chiến lược bảo đảm nguồn cung không để gãy nguồn cung trong mọi tình huống, đặc biệt là họ rất chú ý tới các kho dữ trữ chiến lược để điều hòa cung cầu. Trong đó, có cả việc nhà nước hỗ trợ ngay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ, cùng Chính phủ đối phó khi có đột biến xảy ra.

"Nhìn vào bài học của thế giới, chiến tranh xảy ra dự trữ xăng dầu của các nước suy giảm, điều hành rất khó khăn, từ đó tác động đến giá cả", ông Thỏa nói.

Hai là, chiến lược sử dụng nhiên liệu. Sử dụng nhiên liệu ở đây như TS. Lê Xuân Nghĩa đã chia sẻ đó là điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành mà những ngành ít sử dụng nhiên liệu.

Đồng thời, chuyển đổi sang dùng các loại nhiên liệu khác, ít phụ thuộc vào dầu mỏ ví dụ khí đốt, điện mặt trời, thủy điện, năng lượng tái tạo,... cùng với đó là việc nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu. Hiện, Việt Nam hiệu suất sử dụng nhiên liệu còn rất thấp so với thế giới.

Một số nước có tiềm lực về dầu thô, ông Thỏa cho biết, họ thành lập quỹ để bù giá ở mức độ nhất định cho nhập xăng dầu thành phẩm. Còn tại một số nước Asean, sử dụng biện pháp tình thế điều chỉnh giá xăng dầu, kết hợp trợ giá nhiên liệu từ ngân sách, hoặc trợ giá cho vận tải như Indonexia.


 

Việt Nam cần xây dựng chiến lược sử dụng nhiên liệu một cách hợp lý như các quốc gia khác trên thế giới, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. (Ảnh: PVN)
Việt Nam cần xây dựng chiến lược sử dụng nhiên liệu một cách hợp lý như các quốc gia khác trên thế giới, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. (Ảnh: PVN)


Từ kinh nghiệm của thế giới, theo ông Thỏa đối sách của Việt Nam cũng tương tự.

Đối sách dài hạn, chúng ta cũng phải đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, đáp ứng mọi yêu cầu. Đặc biệt, chú ý tới câu chuyện dự trữ kể cả dầu thành phẩm và dầu thô. Mấy chục năm nay dự trữ dầu thô của Việt Nam rất èo uột không đảm bảo yêu cầu.

Hai là, xây dựng chiến lược sử dụng nhiên liệu một cách hợp lý như các quốc gia khác trên thế giới, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

 

Theo tôi còn một vấn đề lâu nay dư luận xã hội cũng đã đánh giá rằng rất bất cấp đó là đang có tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu. Ví dụ thuế giá trị gia tăng tính trên thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Chúng ta phải khẳng định, tất cả những điều trên đều đúng luật. Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam


Về dài pháp ngắn hạn, theo tôi ngoài việc có một số cơ chế để tránh gây bất ổn thị trường như để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, xóa ưu đãi ưu tiên đối với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chẳng hạn; điều hành giá theo cơ chế thị trường và xóa bỏ hình hài cơ chế xin cho,... cần có sự chia sẻ giữa 3 thành tố tham gia thị trường.

Thứ nhất là về phía người tiêu dùng. Trong bối cảnh giá "sốc" như vậy, người tiêu dùng cũng phải chia sẻ mức độ tăng có kiềm chế của nhà điều hành, và bản thân người tiêu dùng cũng phải có phương án sử dụng nguyên liệu hợp lý.

Hai là, chia sẻ của nhà nước. Nhà nước phải có giải pháp kiềm chế giá xăng dầu tăng cao ngoài các biện pháp như sử dụng quỹ bình ổn giá, kiểm soát tồn kho, găm hàng, đầu cơ ,... thì phải có những biện pháp về thuế để làm sao phù hợp trong bối cảnh tình thế khi giá xăng dầu tăng cao.

Ba là, bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh như vậy phải tính toán tiết giảm chi phí kinh doanh, thậm chí kể cả "hy sinh" lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

https://danviet.vn/kinh-nghiem-tu-the-gioi-doi-sach-nao-cho-viet-nam-truoc-cu-soc-gia-xang-dau-20220314223251225.htm
 

Theo Nhóm PV Kinh tế  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm