Kinh tế

Nông nghiệp

"Giải mã" giá tiêu bất ngờ tăng mạnh lên 60.000 đồng/kg: Trung Quốc và giới đầu cơ tăng mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong ngày hôm qua, giá tiêu bất ngờ tăng mạnh tới gần 8.000 đồng/kg tại nhiều vùng nguyên liệu, dao động từ 58.000-59.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân giá tiêu tăng là do thị trường Trung Quốc thu mua trở lại, cùng với hoạt động tích trữ của giới đầu cơ.

 

Đã lâu lắm rồi, giá tiêu nguyên liệu tại thị trường Việt Nam mới có một phiên giao dịch khởi sắc như hôm qua. Chỉ sau 1 ngày, giá tiêu bất ngờ được điều chỉnh tăng mạnh, từ 7.000 – 7.500 đồng/kg. Hiện giá tiêu đang ở mức cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.

Cụ thể, giá tiêu tại khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông cùng ở mức 58.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai đạt 58.000 đồng/kg.

Giá tiêu cao nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đạt 60.000 đồng/kg; Bình Phước 59.000 đồng/kg. Còn Đồng Nai, giá tiêu thấp nhất ở mức 57.000 đồng/kg.


 

Giá tiêu bất ngờ tăng mạnh tới 7.000-7.500 đồng/kg chỉ trong 1 phiên. Đây là mức tăng cao nhất trong 1 năm nay. Ảnh: I.T
Giá tiêu bất ngờ tăng mạnh tới 7.000-7.500 đồng/kg chỉ trong 1 phiên. Đây là mức tăng cao nhất trong 1 năm nay. Ảnh: I.T



Trước đó, báo cáo của Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự báo, giá tiêu sẽ phục hồi dần trở lại trong 6 tháng cuối năm khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt; cung - cầu trở về mức cân bằng. Đồng thời, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần hỗ trợ giá hạt tiêu.

Một trong những nguyên nhân đẩy giá tiêu tăng cao, đó là vì nông dân chưa muốn bán. Do giá tiêu đầu năm 2020 xuống quá thấp, có lúc về dưới 40.000 đồng/kg nên nông dân chấp nhận "ôm hàng" trong kho đợi giá "hạt vàng" hồi phục dần.

Đặc biệt là giá tiêu ở mức thấp đã kéo dài quá lâu (khoảng từ năm 2018) đến nay, nông dân trồng tiêu không có lãi, thậm chí là thua lỗ nặng nên nhiều gia đình bỏ nghề trồng tiêu, giảm diện tích vườn tiêu. Từ đó áp lực cung ứng lên thị trường không còn gay gắt như trước.

Trong khi theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu đang có xu hướng tăng tại một số nước trên thế giới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Điều này đã góp phần tạo đà tăng giá hạt tiêu trong tháng 5.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn giá tiêu ở mức đáy thời gian qua, nhiều nhà đầu cơ trên thị trường thế giới đã đẩy mạnh hoạt động mua vào, qua đó tác động tích cực lên thị trường hạt tiêu toàn cầu.



 

Trước đó, ngày 27/5, thị trường giao dịch hồ tiêu cũng đã có một phiên sôi động khi giá tiêu tại Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Trong ảnh: Nông dân trồng tiêu ở Lâm Đồng lo lắng khi giá tiêu xuống thấp trong khoảng 3 năm gần đây. (ảnh Hoàng Hạnh)
Trước đó, ngày 27/5, thị trường giao dịch hồ tiêu cũng đã có một phiên sôi động khi giá tiêu tại Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Trong ảnh: Nông dân trồng tiêu ở Lâm Đồng lo lắng khi giá tiêu xuống thấp trong khoảng 3 năm gần đây. (ảnh Hoàng Hạnh)


Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 29/5, sau 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 147.000 tấn tiêu với trị giá 309 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, giảm gần 18% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy giá tiêu xuất khẩu bình quân trong 5 tháng qua đạt 2.102 USD/tấn, tương đương khoảng 49.000 đồng/kg.

Trước đó, vào tháng 4/2020, khối lượng tiêu xuất khẩu đạt 36 nghìn tấn, giá trị đạt 73 triệu USD.

Năm thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Myanma, Pakistan và Đức với 39,2% thị phần. Đáng chú ý là từ tháng 4 đến nay, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Trung Quốc có dấu hiệu tăng mạnh. Sau khi lệnh cách li vì dịch Covid-19 được nới lỏng thì các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu quay lại thu mua cả tiêu đen và tiêu trắng.

Do nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu tăng mạnh tại một số nước trên thế giới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đã góp phần bật tăng giá hạt tiêu liên tục từ đầu tháng 5 đến nay.



https://danviet.vn/giai-ma-gia-tieu-bat-ngo-tang-manh-len-60000-dong-kg-trung-quoc-va-gioi-dau-co-tang-mua-2020053000251341.htm

Theo Thiên Hương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm