Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do vướng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến đầu tháng 9, Gia Lai mới giải ngân được 1.067 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do nhiều dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chờ xác định giá đất

Được coi là một trong những dự án trọng điểm của TP. Pleiku, Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Duẩn) có tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 42 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, dự án mới giải ngân được 1,542 tỷ đồng, đạt 3,67%. Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong tại vị trí cửa xả số 03 tại Km 4+089 và hạ lưu cống ngang đường tại Km 5+652; tuyến chính còn 6 vị trí vướng mặt bằng tại nhà số 43, 84, 89, 105, Km 6+100 trái tuyến, nhà số 577 Lê Thánh Tôn.

Ông Diệp Thành Thận (chủ căn nhà số 89 Nguyễn Chí Thanh) chia sẻ: “Tôi không làm khó dễ hay không phải không đồng ý phương án đền bù. Tôi sống một thân một mình nên cũng không có gì phải tính toán nhiều. Chỉ cần nhận được đền bù và tỉnh bố trí nơi tái định cư để có chỗ cất cái nhà nhỏ là tôi đi thôi”.

Căn nhà số 89 Nguyễn Chí Thanh chưa thể giải tỏa để thi công Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Căn nhà số 89 Nguyễn Chí Thanh chưa thể giải tỏa để thi công Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Nói về vấn đề này, bà Đỗ Thị Ngọc Hạnh-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku-cho biết: “Các hộ chưa đồng ý giao mặt bằng để thi công là do đang chờ phê duyệt giá bồi thường đất. Thành phố cũng đã trình phương án bồi thường lên các sở, ngành liên quan, chỉ chờ tỉnh phê duyệt là sẽ triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hành bồi thường”.

Cũng đang vướng công tác giải phóng mặt bằng là Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19). Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 200 tỷ đồng, khối lượng giải ngân đến nay được 7,358 tỷ đồng, đạt 3,68% kế hoạch. Hiện tại, dự án vẫn chưa có mặt bằng để thi công bởi các địa phương chỉ mới bàn giao được mặt bằng ở mố M2 cầu Biển Hồ, đoạn Km 0-Km 1+800, đoạn Km 3.

Những vị trí còn vướng mặt bằng của Dự án đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Những vị trí còn vướng mặt bằng của Dự án đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Một dự án khác cũng đang chậm tiến độ là đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku). Dự án có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2023 là 100 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 26,948 tỷ đồng, đạt 26,95%. Đến nay, dự án không có mặt bằng để triển khai thi công (chỉ mới bàn giao cho đơn vị thi công được 276 m đầu tuyến và khu vực cầu) vì các hộ gia đình, cá nhân chưa đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Năm 2023, kế hoạch vốn được giao cho huyện Phú Thiện là gần 115,3 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 25,2%. Ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Một trong những khó khăn mà huyện đang gặp phải là việc giải phóng mặt bằng. Ngày 5-9 vừa qua, UBND tỉnh có Quyết định số 529/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các chủ đầu tư phải thuê tư vấn xác định giá đất. Mà muốn thuê tư vấn phải thực hiện rất nhiều thủ tục như làm hồ sơ yêu cầu, thông báo, thương thảo hợp đồng, chờ tư vấn hoàn chỉnh lại hồ sơ, lấy ý kiến người dân và các tổ chức có liên quan, sau đó mới thẩm định rồi trình phê duyệt. Nói chung sẽ tốn khá nhiều thời gian. Theo quyết định này, huyện sẽ làm lại từ đầu việc xác định giá đất để đền bù cho 8 công trình thuộc 4 dự án.

Tháo gỡ “nút thắt”

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Gia Lai là 4.461,2 tỷ đồng. Đến ngày 12-6-2023, nguồn vốn đã phân bổ là 4.267,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương đã phân bổ 2.029 tỷ đồng (đạt 94,1% kế hoạch), vốn ngân sách trung ương được giao 2.239 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch).

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 7-9, tổng giá trị giải ngân toàn tỉnh mới chỉ ở mức 1.067 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn đã giao; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân gần 721 tỷ đồng (đạt 35,53% kế hoạch), nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giải ngân gần 346 tỷ đồng (đạt 15,45% kế hoạch).

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Cụ thể, khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công quy định dự án nhóm A mới được tách riêng phần đền bù, giải phóng mặt bằng (trong trường hợp cần thiết) đã gây chậm tiến độ đầu tư công rất nhiều vì khi dự án được phê duyệt mới có cơ sở triển khai các bước đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các bước triển khai các công tác này rất phức tạp. Quy trình thực hiện cấp giấy phép môi trường cũng phải qua nhiều bước gây mất nhiều thời gian.

Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do chờ phê duyệt giá bồi thường. Ảnh: Hà Duy

Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do chờ phê duyệt giá bồi thường. Ảnh: Hà Duy

Bên cạnh đó, việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022, 2023 cũng làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán. Ngoài ra, nhiều dự án thiếu đất đắp, thủ tục cấp phép mỏ đất đắp kéo dài thời gian và phức tạp đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Để tháo gỡ những “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công, ngày 7-9 vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 9-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các sở, ngành, địa phương đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo giải ngân 100% số vốn được giao năm 2023.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực cho 3 tổ công tác của tỉnh trong đôn đốc, giải ngân vốn đầu tư công thì phải khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phân bổ các nguồn vốn còn lại; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư để có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công; xây dựng giải pháp, tiến độ cụ thể cho từng dự án”-Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm