Thời sự - Bình luận

Giải pháp "đổi vai" của Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng vừa đặt ra yêu cầu phải “đánh giá tác động, trước khi ban hành các quy định về phòng, chống dịch, nhất là quy định về giao thông, lưu thông hàng hóa”.

 

Ông Mai Văn Hũng đã phải bán 2 chiếc ghe để có tiền duy trì cuộc sống. Ảnh Tạ Quang
Ông Mai Văn Hũng đã phải bán 2 chiếc ghe để có tiền duy trì cuộc sống. Ảnh Tạ Quang



Cái dáng ngồi của ông Mai Văn Hùng, tiểu thương chợ nổi Cái Răng- Cần Thơ trong một bức ảnh trên Lao Động điện tử.

Trước dịch, ông Hùng làm nghề bán trái cây trên chợ nổi với 200-300 ngàn mỗi ngày.

Nhưng từ đầu tháng 5... “Đời tôi chưa bao giờ gặp cảnh tượng nào thế này!”- Người đàn ông 30 năm buôn bán chợ nổi nói.

Dịch COVID-19 đã dồn gia đình ông đến “đường cùng”. Đến mức phải bán cả 2 chiếc ghe để có tiền đặng sống.

30 năm, sống chết nhờ chiếc ghe, và giờ phải bán nó đi.

Đó hoàn toàn không đơn giản kiểu bán đi một món đồ. Đó là việc phải bán đi chiếc cần câu cơm.

Ở miền Tây, và không chỉ miền Tây, hàng hoá mà nông dân sản xuất hầu hết tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối.

Cái đói của những thương nhân chợ nổi như ông Hùng, vì thế, chỉ phản ánh một phần sự đứt gãy chuỗi cung ứng mà thôi.

Nhưng ở Cần Thơ, không chỉ những “ông Hùng chợ nổi”, 95% doanh nghiệp đã đóng cửa.

Con số được công bố bởi Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường.

Từ một “thủ phủ” sản xuất thuỷ sản và chế biến lúa gạo xuất khẩu của Tây Nam bộ, việc “giãn cách” theo Chỉ thị 16 tại hơn 20 tỉnh thành phía Nam, khiến Cần Thơ “đến mức” 95%.

Nguyên do: Đa số doanh nghiệp không thể thực hiện nổi yêu cầu của quy định “3 tại chỗ” khi mà chi phí để có thể “3 tại chỗ” lớn đến mức “vượt ngoài khả năng”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong một toạ đàm về tiêu thụ nông sản hôm 4.9 cũng thừa nhận về một sự đứt gãy trong cung ứng nông sản, từ ngành lúa gạo, đến thủy sản, đến rau củ quả... khi mà “Nền nông nghiệp không thoát khỏi tình trạng nông dân mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp mang tư duy thương vụ, chính quyền mang tư duy nhiệm kỳ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương hôm 5.9 đã vừa đặt ra yêu cầu phải “cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, trước khi ban hành các quy định về phòng, chống dịch, nhất là quy định về giao thông, lưu thông hàng hóa”.

Còn Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nói đến một ý tuyệt hay: Nếu giả thiết doanh nghiệp và chính quyền thử “đổi vai” cho nhau, đặt mình vào vị trí đối phương?!

Có lẽ, ngoài nguyên nhân dịch bệnh, còn có những ảnh hưởng từ các giải pháp mang tính chủ quan nữa.

Và giải pháp “đổi vai” sẽ tạo ra một cái nhìn thấu đáo, sẽ có giải pháp để phát triển, hoặc ít nhất những biện pháp chống dịch sẽ không làm khó người dân, doanh nghiệp.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giai-phap-doi-vai-cua-bo-truong-le-minh-hoan-950238.ldo
 

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm