Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giải phóng mặt bằng: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hầu hết dự án bị chậm tiến độ đều do gặp khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, các ngành, địa phương và chủ đầu tư cần xây dựng cơ chế chính sách theo hướng công khai và minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân.


Để triển khai Dự án khu dân cư xã Dun và xã Ia Pal, UBND huyện Chư Sê đã ra quyết định thu hồi phần đất của 37 hộ dân nhận khoán thuộc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai) với diện tích hơn 23 ha. Nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án này (gồm đất, vật kiến trúc, cây cối trên đất và hỗ trợ ổn định đời sống người dân), UBND huyện Chư Sê đã tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến các sở, ngành của tỉnh và các hộ dân liên quan. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, nhiều hộ dân vẫn không đồng tình với phương án đền bù. Ông Bùi Mạnh Hà (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) cho biết: “Để thực hiện dự án này, gia đình tôi bị thu hồi 4,4 sào đất. Nếu tính giá thực tế thị trường thì phải được đền bù gần 250 triệu đồng, nhưng tôi chỉ được huyện đền bù 24 triệu đồng tiền khoan giếng, ống tưới và cho cả cây cối”.

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công sau nhiều năm ì ạch. Ảnh: Hà Duy
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công sau nhiều năm ì ạch. Ảnh: Hà Duy

Theo quy định, phần tài sản nhà nước là vườn cà phê có hợp đồng giao khoán thì không được tính áp giá bồi thường khi thu hồi đất mà chỉ bồi thường tài sản của người dân. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, huyện phải bồi thường giá trị chăm sóc vườn cây, tài sản gắn liền trên đất và các cây trồng khác. Ngoài ra, người dân còn đề nghị huyện hỗ trợ 2,5 lần chi phí đào tạo, chuyển đổi việc làm. Chính bởi không giải quyết được vướng mắc này nên vẫn còn nhiều hộ chưa chấp nhận phương án bồi thường.

Kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) cũng là dự án gặp nhiều vướng mắc trong khâu GPMB. Mặc dù hợp đồng thi công ký ngày 18-12-2014 nhưng đến ngày 30-6-2015, nhà thầu mới nhận mặt bằng. Lần đầu tiên nhận bàn giao đất của 10 hộ, đến tháng 7 nhận thêm mặt bằng của 6 hộ, tháng 8 và 9 nhận mặt bằng của 15 hộ... Do nhận mặt bằng vào đúng mùa mưa nên đến ngày 4-10-2015, nhà thầu mới có thể thi công. Giai đoạn 2 của Dự án tiếp tục vướng 3 hộ tại phường Hội Thương vì không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ. Giai đoạn 3 có 3 hộ tại phường Hội Phú không đồng thuận nên buộc phải cưỡng chế. Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-chia sẻ: “Theo kế hoạch ban đầu, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Nhưng một phần vì vướng mặt bằng mà đã quá 2 năm, Dự án vẫn chưa thể về đích. Nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù nên công tác GPMB chậm, kéo theo tiến độ thi công chậm. Điều này khiến chúng tôi rất đau đầu”.

Dự án khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) cũng vướng khâu GPMB. Đa số đất canh tác của các hộ dân tại đây có nguồn gốc do chuyển nhượng và lấn chiếm đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh. Căn cứ các quy định của pháp luật thì các hộ này không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không đủ điều kiện để được bồi thường hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chính-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bi (xã Ia Dom) thì nhiều gia đình trông chờ vào việc canh tác trên diện tích đất bị thu hồi này.

Khu vực bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) để thực hiện quy hoạch khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy
Khu vực đất tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) được thu hồi để thực hiện quy hoạch khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Trước đó, Dự án đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; Dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (xã Cư An, huyện Đak Pơ); Dự án đường liên xã Ia Krêl-Ia Kla, huyện Đức Cơ; Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku; Dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2... cũng gặp vướng mắc trong GPMB. Sự ì ạch trong công tác GPBM đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Bảng giá đất để thực hiện GPMB được xây dựng dựa trên Luật Đất đai. Nhà nước ban hành khung giá đất, còn các tỉnh, thành phố được điều chỉnh cho phù hợp với địa phương (theo quy định không vượt quá 30%). Song thực tế, mức đền bù theo bảng giá đất hiện chỉ tương đương 30-40% giá đất trên thị trường. Điều này khiến người dân không đồng thuận, cần phải xem xét lại cho phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy, công tác GPMB đạt hiệu quả cao khi huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia có trách nhiệm của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án. Và điều quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính sách theo hướng công khai và minh bạch.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm