Sống trẻ - Sống đẹp

Giám đốc chưa một ngày dùng đến bằng đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vũ Thị Ly Ly là sáng lập, giám đốc marketing của nhiều công ty tại Hà Nội chưa hề dùng đến bằng đại học khi ứng tuyển. Cô cho rằng, kỹ năng mới là điều các nhà tuyển dụng cần khi bạn đi xin việc.

Vũ Thị Ly Ly 23 tuổi đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại nhiều công ty
Vũ Thị Ly Ly 23 tuổi đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại nhiều công ty



"Trường đời" của cử nhân chuyên ngành luật kinh tế


23 tuổi nhưng Vũ Thị Ly Ly đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại nhiều công ty. Hiện tại, cô gái sinh năm 1994 đang là đồng sáng lập, giám đốc marketing công ty VELA về tinh dầu; giám đốc marketing tại công ty ULSO về phần mềm công nghệ; nhà sáng lập và giám đốc điều hành hệ thống thời trang nam.

Không phải ngẫu nhiên nữ cử nhân chuyên ngành luật kinh tế Trường đại học Thương mại Hà Nội có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí trên cùng lúc.

Trong suốt 12 năm học, Ly Ly đều là lớp phó học tập và cán bộ lớp, khi bước vào ĐH cô cũng thường được bầu làm trưởng nhóm các môn học. Đây là cơ hội giúp Ly Ly có cái nhìn tổng quan, biết cách phân chia nhiệm vụ và đặc biệt là có kỹ năng thuyết trình trước đám đông.
Ngoài giờ lên lớp Ly Ly có thói quen đọc sách về kinh doanh và kỹ năng mềm. Từ đó, máu kinh doanh của cô ngấm dần thêm. Từ các bài học đi trước của nhiều doanh nhân, cô dần định vị được con đường riêng của bản thân.

Năm thứ 2 đại học, Ly Ly đã bán giày thể thao trên internet, sau đó làm việc tại một cửa hàng thời trang Nhật để hiểu thêm về quy trình quản lý, bán hàng. Tuy nhiên, “trường đời” của Ly Ly bắt đầu thực sự khi cô phụ trách vai trò bán hàng qua điện thoại tại một công ty về mỹ phẩm, làm đẹp.

“Sau 6 tháng học hỏi và quan sát, tôi học được cách đào tạo, tạo động lực cho nhân viên, cách quản lý nhân sự… Tôi quyết định xin nghỉ để chuyển qua một môi trường khác. Ở thời điểm đó, tôi nhận được một vài lời mời làm quản lý hay trưởng dự án nhưng cuối cùng tôi quyết định ra ngoài làm riêng và mở một shop thời trang và phụ kiện nam”, Ly Ly chia sẻ.

Sau này, cơ duyên đưa Ly đến công ty ULSO và VELA, đây đều là những dự án khởi nghiệp của những người bạn thân thiết với cô.

Trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa còn đang vất vả tìm kiếm một công việc có thu nhập đủ sống thì Ly Ly đã lên làm quản lý. Thành công luôn đi cùng áp lực và khó khăn. Chia sẻ về điều này, Ly Ly bộc bạch: “Khi những người bạn xung quanh làm việc 8 tiếng trở về nhà thì bản thân tôi làm việc 13, 14 tiếng một ngày là điều bình thường. Có những hôm trời Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt nhưng tôi phải làm việc tại công ty đến tận 1 giờ sáng”.

 Ly Ly tâm niệm: “Cuộc sống là một hành trình vật lộn không ngừng, bạn có thể lựa chọn quay đầu rồi bỏ chạy hoặc ở lại và tiếp tục đối mặt. Và những kẻ dám đối mặt với thử thách không hẳn là những kẻ can đảm nhất, nhưng họ hiểu vượt qua mỗi thử thách, họ lại gần hơn với khao khát của đời mình”.

Mỗi người cần hiểu rõ bản thân

 Ly Ly cho biết, hiện nay có nhiều bạn trẻ học giỏi, bằng đẹp, bảng điểm đẹp nhưng ra trường vẫn thất nghiệp”. Cô dùng cụm từ “chưa đủ giờ bay” với những trường hợp này, vì các bạn trẻ chưa có kỹ năng mềm và để cái tôi quá cao.

“Kiến thức sách vở trong nhà trường khác nhiều so với kiến thức thực thế. Những gì các bạn ấy đang có không hẳn là những điều các nhà tuyển dụng cần. Theo tôi, bảng điểm đẹp, bằng đại học loại giỏi không phải tất cả vì cá nhân tôi chưa từng sử dụng đến bằng đại học của mình khi đi ứng tuyển. Quan trọng nhất vẫn là thái độ nghiêm túc, cầu tiến, ham học hỏi, các kỹ năng mà bạn ấy sở hữu. Những cái khác “người ta” có thể đào tạo lại”.


 

 Ly rạng rỡ ngoài đời
Ly rạng rỡ ngoài đời



Ly Ly cũng cho các bạn trẻ lời khuyên, khi bước vào ngưỡng cửa đại học, bạn nên ngồi vẽ lại đường đi của cuộc đời mình, xem bản thân có điểm mạnh là gì, điểm yếu là gì, bản thân thích cái gì, đam mê cái gì. Bởi có đường đi rõ ràng bạn mới đi đúng và nhanh hơn.

“Hãy đọc nhiều sách, báo. Hoàn thành bài tập trên lớp và tập đi làm thêm. Hãy thử là thực tập sinh ở chính những công ty liên quan đến ngành học của bạn, đừng quan tâm đến lương sớm, cái bạn cần ở đây là môi trường, kỹ năng thực tế. Nếu bạn làm tốt người ta sẵn sàng sẽ nhận bạn khi bạn chưa rời ghế nhà trường. Và đừng quên, tìm cho mình một 'người thầy dẫn đường'”, Ly Ly nói.

Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm