Cụ thể, ông Lazzarini cho biết trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo: “Tôi dự định tới Rafah, nhưng bị từ chối cho vào”. Sau đó, ông đã giải thích rõ hơn trên mạng xã hội rằng, “giới chức Israel” đã không cho ông vào Rafah. “Tôi định tới đó nhằm điều phối và cải thiện hoạt động cứu trợ”, Lazzarini nói.
Rafah là thành phố cực Nam ở Dải Gaza. Hiện có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ngụ tại đây sau khi chạy nạn từ các khu vực khác ở dải đất. Phần lớn phải tá túc trong những căn lều tạm bợ hoặc các trại tị nạn, không có gì ngoài một ít tài sản và bộ quần áo trên người.
Người dân xếp hàng nhận viện trợ ở Dải Gaza. Ảnh: UNRWA |
Không những thế, vừa qua, Tổ chức từ thiện Oxfam cũng đã cáo buộc Israel cố tình ngăn cản nỗ lực chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza và cho rằng việc này là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Ngoài ra, tổ chức này còn cáo buộc Israel bất chấp lệnh tăng cường viện trợ ở Gaza của Tòa án Công lý quốc tế vào hồi tháng 1 và không thực hiện trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ người dân trên vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Trước tình hình đó, TTXVN cho biết, ngày 18-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi giới chức Israel đảm bảo việc tiếp cận không bị cản trở đối với hàng viện trợ nhân đạo được đưa vào Dải Gaza.
Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 10-2023 đến cuối tháng 1-2024, xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã làm mất hơn 500.000 việc làm trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong khi các hoạt động kinh tế tại Dải Gaza bị đình trệ hoàn toàn.
Tuy nhiên, số người Palestine mất việc làm tại thời điểm hiện nay có thể cao hơn nhiều, các hoạt động kinh tế tại Gaza hiện đã đình lại để tránh ảnh hưởng từ các chiến dịch không kích của quân đội Israel.