Xã hội

Đời sống

Giảm nghèo theo địa chỉ: Bền vững, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo theo địa chỉ. Trên cơ sở danh sách hộ đăng ký thoát nghèo, chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phụ trách giúp đỡ, tạo động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống.

Huy động nhiều nguồn lực

Năm 2022, xã Chư Băh có 19 hộ đăng ký thoát nghèo. Trên cơ sở rà soát các tiêu chí thiếu hụt, UBND xã gửi thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài xã chung tay hỗ trợ. Đơn cử như xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, việc ủng hộ tùy lòng hảo tâm, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, ai không có kinh phí thì có thể ủng hộ nguyên vật liệu. Với những hộ có nhân công, xã hỗ trợ kinh phí; với hộ neo đơn, xã huy động các tổ chức chính trị-xã hội đóng góp thêm ngày công. Kinh phí có đến đâu triển khai đến đó, vừa làm vừa vận động thêm. Với cách làm đó, cuối năm 2022, 19 nhà vệ sinh tại các hộ đăng ký thoát nghèo đã được hoàn thành với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn vận động của cấp trên, xã xây mới 1 căn nhà “Đại đoàn kết” và hỗ trợ 6 con dê giống cho 3 hộ nghèo.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Băh thường xuyên xuống các gia đình hội viên vay vốn ưu đãi hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: V.C

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Băh thường xuyên xuống các gia đình hội viên vay vốn ưu đãi hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: V.C

Gia đình ông Ksor Trel (buôn Hiao) là 1 trong 19 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời được hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết” từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” thị xã. Cuối năm 2022, gia đình ông đã thoát nghèo. Ông Trel tâm sự: “Tuy gia đình còn nhiều khó khăn nhưng được sự vận động của cán bộ xã, buôn, gia đình tôi đăng ký thoát nghèo để có động lực vươn lên, nhường lại sự hỗ trợ cho các gia đình khác khó khăn hơn. Thoát nghèo rồi, từ nay, gia đình sẽ chăm chỉ làm ăn kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống, cố gắng không rơi vào cảnh tái nghèo”.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, xã Chư Băh tiếp tục vận động 19 hộ đăng ký thoát nghèo. Sau khi lập danh sách, tìm hiểu nguyên nhân và khả năng thoát nghèo của các hộ dân, xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã họp đánh giá kết quả thực hiện, kiến nghị khó khăn, vướng mắc cũng như biện pháp triển khai để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo ông Rcom Tam-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, sau khi rà soát tiêu chí thiếu hụt tại các hộ đăng ký thoát nghèo năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục đề xuất cấp trên hỗ trợ xóa 2 nhà tạm, nhà dột nát cho 2 hộ nghèo gồm gia đình bà Ksor H'Nguyên (buôn Chư Băh B) và bà Nay H'Lới (buôn Hiao). Hồ sơ đang được gấp rút hoàn thành, khi nguồn vốn cấp về sẽ bắt đầu khởi công xây dựng. Theo dự kiến, không chỉ được hỗ trợ nhà “Đại đoàn kết”, mỗi hộ còn được xây nhà vệ sinh với tổng kinh phí 70 triệu đồng/hộ. Đây là động lực to lớn giúp các hộ nghèo an cư, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Trong khi đó, nhằm chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đề ra, hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đều phấn đấu giúp 2 hộ hội viên thoát nghèo. Chị Rcom H'Thuyết-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Năm 2023, Hội phụ trách giúp gia đình 2 chị Nay H'Nuynh (buôn Hiao) và Ksor H'Blot (buôn Chư Băh B) thoát nghèo. Nhận thấy 2 gia đình hội viên đều thuộc nhóm hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, có lao động nhưng thiếu việc làm ổn định nên Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã hướng dẫn các chị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhờ đó, mỗi hộ vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Hội thường xuyên cử cán bộ phụ trách xuống hướng dẫn các chị cách chăm sóc, tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Sự hỗ trợ này không chỉ tạo việc làm thường xuyên mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các gia đình hội viên.

Chị H'Blot chia sẻ: Thấy bà con trong buôn chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình, chị cũng ưng làm lắm nhưng ăn còn chưa đủ no thì tiền đâu mà mua bò về nuôi. Đầu năm 2023, được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp giúp gia đình vay vốn chăn nuôi bò, chị rất mừng. “Với 50 triệu đồng vay được, tôi mua 4 con bò sinh sản và làm chuồng trại. Đang mùa thu hoạch, tôi và các con vừa tranh thủ chăn thả vừa tích trữ rơm làm thức ăn cho bò trong những ngày mưa. Hy vọng đàn bò nhanh lớn, khỏe mạnh, giúp gia đình có thêm thu nhập, phát triển kinh tế”-chị H'Blot bộc bạch.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững và hiệu quả, song song với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, khó khăn lớn nhất của địa phương là giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Tuy nhiên, vì trên địa bàn không có nhiều doanh nghiệp đứng chân nên xã tập trung vận động người dân, đặc biệt là thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều người lúc đầu còn e ngại, nhưng dần dần thì đã thay đổi nhận thức, chủ động liên hệ xã hoặc người quen nhờ giới thiệu để nộp đơn xin việc. Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi làm tại Bình Dương, Đồng Nai; sau một thời gian, nhờ biết tiết kiệm đã có một số vốn nhất định nên về quê xây dựng nhà cửa khang trang và đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Nhiều hộ dân ở xã Chư Băh đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: V.C

Nhiều hộ dân ở xã Chư Băh đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Ảnh: V.C

Bên căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, chị Ksor H'Lan (buôn Bir) vui mừng giới thiệu đây là căn nhà vợ chồng chị tích góp xây dựng được sau 4 năm đi làm công nhân tại một công ty gia công bóng chày ở tỉnh Bình Dương. Công việc tương đối vất vả song nếu làm tăng ca, thu nhập của 2 vợ chồng cũng được hơn 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, vợ chồng chị tiết kiệm 5 triệu đồng. “Nếu không đi làm công nhân chắc vợ chồng tôi không thể có căn nhà khang trang như thế này. Tổng kinh phí xây dựng nhà là hơn 100 triệu đồng, do 2 vợ chồng dành dụm. Chúng tôi cảm thấy rất hãnh diện. Gần đây, công việc ít đi nên vợ chồng tôi về quê làm ăn. Khi Công ty ổn định trở lại, 2 vợ chồng sẽ đi làm tiếp, tích góp thêm vốn mở tiệm tạp hóa buôn bán”-chị H'Lan chia sẻ.

Cùng với giới thiệu việc làm, xã Chư Băh còn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, nông hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tháng 7-2021, Nông hội chăn nuôi bò xã Chư Băh được thành lập gồm 35 thành viên với tổng đàn bò trên 200 con. Xã huy động sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân hỗ trợ 2 con bò sinh sản trị giá trên 20 triệu đồng giao cho 2 thành viên của Nông hội chăm sóc. Sau khi bò sinh sản, bê tách mẹ thì chuyển bò mẹ cho thành viên khác nuôi. Với cách làm này, các hộ phát huy được trách nhiệm chăm sóc vật nuôi, đàn bò không ngừng phát triển, tiếp sức cũng như thu hút thành viên tham gia Nông hội.

Theo ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh: Việc thực hiện đồng bộ các chính sách tạo sự tác động mạnh mẽ khiến các hộ nghèo, cận nghèo không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến tháng 6-2023, triển khai chương trình vay vốn ưu đãi, các tổ chức chính trị-xã hội đã nhận ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho 42 hộ nghèo với tổng số vốn 1,6 tỷ đồng; 57 hộ cận nghèo vay hơn 2 tỷ đồng; 103 hộ mới thoát nghèo vay 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 206 hộ vay từ nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng; 176 hộ vay giải quyết việc làm với tổng số hơn 7 tỷ đồng… Sau khi tiếp cận nguồn vốn, các hội, đoàn thể hướng dẫn các hộ cách làm ăn, xây dựng kế hoạch sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, trả lãi và gốc đúng hạn cho ngân hàng.

Theo kết quả rà soát, hiện xã Chư Băh còn 37 hộ nghèo và 61 hộ cận nghèo. Năm 2023, xã phấn đấu giảm còn 18 hộ nghèo, tương ứng 1,73% và 53 hộ cận nghèo, chiếm 5,1% dân số. Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, vận động người dân phát huy khả năng bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Bên cạnh đó, đa dạng các hoạt động truyền thông, giúp hộ nghèo tiếp cận chính sách giảm nghèo, các thông tin hữu ích để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, mục tiêu giúp hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ toàn diện ở các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm