Kinh tế

Nông nghiệp

Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai: Kết hợp nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Điều này đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

 

Nhiều nguồn lực hỗ trợ

Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả nhất định, giúp hộ nghèo DTTS có điều kiện vươn lên. Diện mạo vùng sâu, vùng xa thêm phần khởi sắc. Nếu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh là 34,49% thì đến cuối năm 2019 giảm còn 13,42%.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh, huyện Kông Chro đã huy động hệ thống chính trị tập trung triển khai công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS, mang lại kết quả khả quan. Ông Đinh Kinh-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Nhờ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chính sách xóa đói giảm nghèo nên cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư, người dân tích cực lao động sản xuất cải thiện thu nhập, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định. Tính riêng năm 2019, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là hơn 41,8 tỷ đồng.

 Cán bộ khuyến nông huyện Kbang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Cán bộ khuyến nông huyện Kbang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T



Trước đây, gia đình chị Đinh Nhiêu (làng Groi, xã Đak Tơ Pang) thuộc diện hộ nghèo vì thiếu vốn, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Sau khi được hỗ trợ vay vốn, tham gia tập huấn trồng và chăm sóc cây bắp lai, chị Nhiêu đã trồng thử nghiệm trên 5 sào bắp lai. Kết quả, gia đình chị thu hoạch cao gấp 3 lần giống bắp cũ. Cùng với đó, gia đình chị còn được hỗ trợ 1 con bò lai sinh sản và 1 con bò đực giống của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên để có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tạ Chí Khanh cũng cho hay: Những năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo đồng bào DTTS. Từ năm 2017 đến nay, huyện mở 14 lớp dạy nghề cho nông dân là người DTTS; tổ chức 37 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp hộ nghèo ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Huyện còn phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh định cư, Quỹ “Vì người nghèo” của huyện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên lên đến hàng trăm tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ giải quyết thiếu hụt đa chiều về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,53%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn 22,2%.

Vẫn còn bất cập

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện một số chính sách giảm nghèo như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hoạt động tín dụng chính sách, đào tạo nghề, công tác xã hội hóa giảm nghèo… vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trao đổi với P.V, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-nhận định: “Nguồn vốn đầu tư cho vùng DTTS vẫn còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn với đối tượng thụ hưởng ở các xã đặc biệt khó khăn chưa tốt. Cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất còn hạn chế, dẫn đến sản xuất chậm phát triển, thu nhập thấp”.

Với 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao như Kông Chro và Krông Pa, công tác giảm nghèo tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức cao so với toàn tỉnh (cuối năm 2019 là 23,15%). Bên cạnh nguyên nhân sản xuất gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, đầu ra cây trồng chưa ổn định thì một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể chưa quyết liệt, đội ngũ làm công tác giảm nghèo còn mỏng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa thì tập quán, thói quen trong đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS không thể thay đổi một sớm một chiều, chẳng hạn việc vận động người dân thực hiện các chỉ số thiếu hụt như: nguồn nước hợp vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh và môi trường... còn rất nan giải. Một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo không đủ lớn nên trong quá trình thực hiện không cho thấy hiệu quả, cụ thể như chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

Đâu là giải pháp?

 Chị Đinh Nhiêu (bìa phải; xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) cùng người dân trong làng thu hoạch bắp lai. Ảnh: Đ.Y
Chị Đinh Nhiêu (bìa phải; xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) cùng người dân trong làng thu hoạch bắp lai. Ảnh: Đ.Y



Nói về các giải pháp giảm nghèo trong thời gian tới, ông Tạ Chí Khanh cho biết huyện Krông Pa sẽ tập trung thực hiện xóa nghèo đa chiều, giảm các tiêu chí thiếu hụt. Với huyện Kông Chro, ông Đinh Kinh nhấn mạnh sẽ yêu cầu rà soát các dự án đầu tư vào vùng DTTS để điều chỉnh có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác.

Trên cơ sở giải pháp của các địa phương, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS toàn tỉnh xuống còn 7% vào cuối năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, giữa năm 2020, các địa phương phải tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 05 ở địa phương mình trong 3 năm qua, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên, chủ động xin thoát nghèo. Kết hợp vừa hỗ trợ vốn vay ưu đãi vừa hướng dẫn các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người nghèo hình thành các tổ sản xuất, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; nhân rộng các mô hình, phong trào đã được triển khai thành công, tạo điều kiện cho người nghèo tham quan, học hỏi áp dụng thực hiện để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

 

 ĐINH YẾN




 

Có thể bạn quan tâm