Kinh tế

Nông nghiệp

Giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại huyện Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-4, đoàn công tác do ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tại huyện Đak Đoa. Cùng đi còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhìn chung, các loại cây trồng được đưa vào sản xuất khá thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tăng dần qua từng năm; tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng trưởng ổn định, bình quân tăng 7,04%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35 triệu đồng/năm, tăng so với giai đoạn 2010-2015 là 8 triệu đồng.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn


Huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được huyện quan tâm thực hiện. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã triến khai 7 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu hút hàng trăm hộ dân tham gia, như Dự án liên kết hồ tiêu sạch, bền vững tại xã Nam Yang, Hải Yang; Dự án liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi theo hướng hữu cơ tại xã Kon Gang...

Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, theo hình thức công nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi heo, gà thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, quy mô từ 500 đến 1.000 con. Hầu hết các trang trại đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, hợp vệ sinh và tiết kiệm các loại dinh dưỡng cho vật nuôi. Đồng thời, người dân đã biết áp dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học (biogas), góp phần bảo vệ môi trường chăn nuôi và xung quanh.

Việc thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần giúp huyện thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2021, có 8/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với giai đoạn 2010-2015. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo bước chuyên biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã có 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn phân tán, phát triển thiếu ổn định và thiếu vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, ngành trồng trọt còn chiếm tỷ trọng cao; việc triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, hiệu quả chưa cao; chất lượng nông sản hàng hoá sản xuất ra còn thấp và không đồng đều, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; kinh tế hộ gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu, kinh tế trang trại chậm phát triển so với yêu cầu thực tế; kinh tế tập thể chưa được đầu tư chú trọng, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp còn mang tính hình thức...


 

Đoàn giám sát đã đến tham quan vườn cây ăn quả của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát đã đến tham quan vườn cây ăn quả của thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Ảnh: Quang Tấn


Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đánh giá cao những giải pháp mà huyện Đak Đoa đã triển khai thực hiện có hiệu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần tạo niềm tin để triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị huyện Đak Đoa tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện gắn với năng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông, thủy lợi; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham vào các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, huyện cần quan tâm chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Các ý kiến, kiến nghị của huyện sẽ được đoàn giám sát tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Sáng cùng ngày, đoàn đã đi khảo sát thực tế vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ (xã Đak Krong) và vườn cây ăn quả của thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Đồng thời, đoàn đã đến tham quan Nhà máy chế biến nông sản của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang và nắm tình hình sản xuất-kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã trong quá trình hoạt động.

 

QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm