Đô thị

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Giám sát về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Sáng 9-4, tại phòng họp trụ sở Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát. Làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở giao thông-Vận tải, Ban An toàn Giao thông tỉnh.

Báo cáo tại buổi giám sát cho biết, hiện nay, mạng lưới đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài các tuyến là 12.968 km, gồm 6 hệ thống. Trong đó, 764 km quốc lộ; 372 km đường tỉnh; 965 km đường đô thị; 10.350 km đường giao thông nông thôn; 518 km đường chuyên dùng. Kết cấu kỹ thuật thấp, nhiều đoạn xuống cấp, thường xuyên nâng cấp, sữa chữa. Các tuyến đường liên thôn, liên xã hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa đảm bảo an toàn, thuận lợi; còn nhiều đường ngang dân sinh, điểm đấu nối chưa phù hợp, hay hư hỏng, lầy lội vào mùa mưa. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có trên 1 triệu phương tiện giao thông, tốc độ gia tăng phương tiện trung bình 6,38%/năm.

Đồng chí Trương Văn Đạt phát biểu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đồng chí Trương Văn Đạt phát biểu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Từ ngày 1-7-2009 đến 14-12-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5.991 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 3.563 người, bị thương 6.360 người. Trong đó, xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 289 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, 2.835 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và 2.819 vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng.

Thời gian qua, dưới sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, văn bản chỉ đạo, điều hành các địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường, khắc phục các điểm đen về an toàn giao thông. Nhờ đó, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh mặc dù còn xảy ra, nhưng đã giảm dần theo các năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu một số kiến nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu một số kiến nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Gia Lai có diện tích rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng đông, nhiều người chưa nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện đó là những nguy cơ khiến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh còn khá cao. “Chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp để thay thế xe công nông. Xe công nông là phương tiện không thể thiếu được đối với người nông dân, nên chăng, các bộ ngành, nghiên cứu đề xuất giao đơn vị nhà nước sản xuất một loại xe có tính năng, tác dụng như xe công nông để thay thế loại xe này. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và Pleiku-Buôn Mê Thuột để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên và thúc đẩy kinh tế-xã hội của khu vực phát triển"-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu.

Bà Siu Hương phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bà Siu Hương phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Siu Hương cho rằng, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông liên quan đến các em học sinh đi xe điện, liên quan đến người dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo về tai nạn giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh bố trí các nguồn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng các tuyến được tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trên cơ sở những kiến nghị của các đại biểu, đoàn giám sát sẽ tập hợp ý kiến gửi các bộ, ngành liên quan và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Có thể bạn quan tâm