Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: "Ngon nhưng không dễ ăn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 10-15 năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động chắc chắn vẫn không thể hưởng lương hưu nếu chưa đủ tuổi. Viễn cảnh “có lương” sau 10-15 năm lao động, vì thế, “ngon nhưng không dễ ăn”.

Nữ công nhân Phạm Ngọc Hiệp phải chờ đợi thêm 3 năm mới đủ tuổi để hưởng mức lương hưu 2,7 triệu đồng sau 24 năm lao động, trong đó 15 năm lao động nặng nhọc đến suy giảm 61% sức khoẻ. Ảnh: Nam Dương
Rồi! Rất đồng ý, rằng: Lương hưu, không chỉ là khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi người lao động về già.
Cũng hợp lý, bởi đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu xuống 15 năm, thậm chí 10 năm sẽ hạn chế tình trạng người lao động nhận BHXH một lần, tức là không có lương hưu, diễn ra khá phổ biến. (Số liệu từ chính BHXH cho thấy, năm 2020 chẳng hạn, 1 triệu người tham gia BHXH nhưng cũng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần).
Chúng ta hoàn toàn hiểu lý do của đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH.
Là vì 32 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm tỉ lệ 66,5%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Là vì 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa tham gia BHXH hoặc chế độ an sinh khác.
Con số này lớn quá. Nói nó là một gánh nặng an sinh xã hội cũng đúng mà bảo là một “nguồn” của BHXH cũng chẳng sai.
Nguồn là vì bảo hiểm xã hội không có nguồn nào khác ngoài số tiền người tham gia bảo hiểm đóng vào quỹ. Và việc chi trả, bản chất là việc bù trừ giữa người nọ và người kia. Trong khi nguy cơ vỡ quỹ được cảnh báo không chỉ một lần.
Hôm qua, sau đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH, Báo Lao động ghi nhận sự tán đồng của rất nhiều người lao động. Tán đồng, vì kỳ vọng đóng cho đủ số 15 năm để “nhận lương hưu”. Vì với 15 thậm chí 10 năm đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người lao động trực tiếp, người lớn tuổi “được dưỡng già” khi họ khó chờ để đóng đủ 20 năm...
Và còn ở kỳ vọng thời gian tối thiểu giảm xuống 10 năm, để sau đó, lãnh “một cục” đi xoay việc khác.
Một đề xuất chính sách được nhiều người lao động tán đồng, tất nhiên không phải là một chính sách dở.
Nhưng người lao động cũng cần biết những sự thật hơi bị hiển nhiên khác:
Ấy là kể cả khi đã đóng đủ 15, 10 năm BHXH thì không đồng nghĩa người lao động sẽ có lương hưu, nếu chưa đủ tuổi hưu.
Rằng nếu ngay cả đóng đủ 20, thậm chí 25 năm, mà lương hưu vẫn chưa đủ sống, thì với 10-15 năm, chắc chắn “đồng lương” ấy sẽ ngậm ngùi, bèo bọt chỉ có ý nghĩa an ủi nhiều hơn là một khoản cố định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống.
Ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam nói một câu cực đúng và cực trúng thế này: Công đoàn thấy rất hợp lý. Tuy nhiên, vẫn phải tính sao để người lao động sau này nhận lương hưu hợp lý, (đủ) để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Các bạn thấy không. Cái lý phải là sự hợp lý ở đồng lương. Bởi nếu lương hưu, với một bộ phận không nhỏ, đang thấp dưới cả chuẩn nghèo thì làm sao hấp dẫn được người lao động?!
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-ngon-nhung-khong-de-an-900887.ldo

Có thể bạn quan tâm