Giảm thiểu tình trạng lao kháng thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân lao chỉ cần điều trị trong 6 tháng thay vì 8 tháng như trước đây. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao tại tỉnh Gia Lai khoảng trên 95%. Việc tuân thủ đúng thời gian và phác đồ điều trị sẽ giảm thiểu tình trạng lao kháng thuốc.

 

Tăng cường truyền thông     

Ngày Thế giới phòng-chống lao năm nay có chủ đề: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai-cho biết: “Trung bình mỗi năm, Gia Lai phát hiện từ 650 đến 700 bệnh nhân lao mới, tỷ lệ điều trị thành công năm 2019 là 95,3%. Chỉ có 0,37% điều trị thất bại, số còn lại là do bệnh nhân bỏ điều trị hoặc không theo dõi được”.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: N.N
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: N.N

Phát hiện sớm sẽ giảm thời gian, chi phí điều trị bệnh lao. Khi có các triệu chứng ho kéo dài trên hai tuần, sốt về chiều, gầy, sút cân, đôi khi ho ra máu… hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị bệnh lao.



Theo bác sĩ Hiền, công tác phòng-chống bệnh lao những năm qua luôn được các cấp chính quyền địa phương chú trọng. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe được tổ chức thường xuyên và triển khai với nhiều hình thức phong phú giúp người dân nâng cao kiến thức về bệnh lao. Số người nghi ngờ mắc lao chủ động đến các cơ sở để khám và làm xét nghiệm tăng, qua đó bệnh nhân lao phát hiện mới hàng năm cũng tăng, việc điều trị cũng thuận lợi hơn.

Điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cả tháng nay, bệnh tình của anh Nguyễn Lệ Sĩ (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã chuyển biến tích cực. Anh Sĩ chia sẻ: “Được tuyên truyền và tìm hiểu thêm trên mạng, tôi đã có kiến thức về bệnh. Khi thấy triệu chứng ho tức ngực, người gầy yếu, sút cân… tôi nghĩ ngay đến bệnh lao và đến cơ sở y tế để thăm khám. Nhờ phát hiện sớm, điều trị tích cực nên bệnh tình của tôi đã thuyên giảm nhiều. Bác sĩ cho biết, sau khi ra viện, tôi vẫn phải tiếp tục thực hiện đủ liệu trình 6 tháng để chữa trị dứt điểm. Tôi sẽ tuân thủ phác đồ điều trị và uống thuốc đầy đủ theo quy định”.

Vẫn còn khó khăn, thách thức


 

Bác sĩ Cường (bên phải) tư vấn, hướng dẫn các bệnh nhân uống thuốc đầy đủ, tuân thủ phác đồ để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Cường (bên phải) tư vấn, hướng dẫn các bệnh nhân uống thuốc đầy đủ, tuân thủ phác đồ để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Ảnh: Như Nguyện


Sáng 23-3, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng-chống lao tại Trạm Y tế xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) và truyền thông trực tiếp phòng-chống lao tại hộ gia đình trên địa bàn xã. Trạm Y tế xã Đak Djrăng đang quản lý 4 bệnh nhân lao (1 lao hạch, 3 lao phổi), trong đó có 1 bệnh nhân điều trị thành công.

Do kinh phí còn hạn chế nên việc tuyên truyền về phòng-chống lao vẫn chưa phủ khắp, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; một bộ phận người dân vẫn còn thiếu kiến thức và chủ quan về căn bệnh này. Như trường hợp bệnh nhân Kiên Thị Phương Diệu (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), do thiếu kiến thức về bệnh nên không kịp thời đi khám, dẫn đến bệnh trở nặng. Chị Diệu cho hay: “Tôi điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai) từ ngày 28-2-2020 đến nay. Trước đó vài tháng, tôi có bị ho, cứ nghĩ là chỉ bị ho bình thường nên tôi tự ý mua thuốc uống. Nhưng sau đó thì ngày càng bị ho nhiều, mệt mỏi, sút cân…, tôi tới cơ sở y tế thăm khám thì mới biết mình bị bệnh lao”.

Tương tự, chị H'Ven (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) cũng thừa nhận, do không hiểu biết về bệnh lao nên cũng không đến bệnh viện khám dù trước đó vài tháng đã có các triệu chứng của bệnh. “Sau thời gian điều trị, bệnh của tôi đã giảm. Nhờ các bác sĩ tuyên truyền, hướng dẫn nên giờ tôi đã hiểu. Sau khi ra viện, tôi sẽ thực hiện đúng phác đồ điều trị”-chị HVen cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cường (Khoa Nội, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai), do thời gian điều trị lâu (6 tháng) nên một số bệnh nhân thiếu kiên nhẫn, không hợp tác dẫn đến kết quả điều trị bệnh lao không như mong muốn. Người bỏ điều trị sẽ khiến tình trạng lao kháng thuốc gia tăng, thời gian điều trị sau đó sẽ lâu hơn, chi phí tốn kém hơn. “Bệnh nhân lao kháng thuốc sẽ phải điều trị 9 tháng cho đến 20 tháng; chi phí điều trị có thể lên tới trên 200 triệu đồng. Vì vậy, trong quá trình điều trị, chúng tôi tận tình tư vấn, hướng dẫn để bệnh nhân tuân thủ phác đồ”-bác sĩ Cường nói.

 Năm 2018, tỉnh Gia Lai ghi nhận 17 bệnh nhân lao kháng thuốc, trong khi đó, năm 2019 có 3 bệnh nhân. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay phát hiện 1 trường hợp lao mới nhưng bệnh nhân lại mắc lao tiền siêu kháng thuốc. Bệnh nhân này bị lây nhiễm từ người bệnh lao kháng thuốc nên ngay từ đầu đã phải điều trị theo phác đồ của lao kháng thuốc với thời gian có thể kéo dài đến 20 tháng.

Hiện nay, bệnh nhân lao được cấp thuốc điều trị miễn phí, được thanh toán một phần chi phí khám-chữa bệnh nếu có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy vậy, nguy cơ thiếu thuốc điều trị lao có khả năng xảy ra trong thời gian tới. Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai thông tin: Trong giai đoạn 2016-2020, ước tính nhu cầu ngân sách để mua thuốc chống lao hàng 1 vào khoảng 625 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chương trình chỉ được phân bổ 406 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Chương trình mục tiêu y tế-dân số, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu. Để khắc phục, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch huy động kinh phí địa phương mua thuốc chống lao. “Rất mong tỉnh quan tâm cấp kinh phí mua thuốc, đảm bảo hiệu quả công tác chống lao trên địa bàn trong thời gian tới”-bác sĩ Hiền đề xuất.

 

 NHƯ Ý



 

Có thể bạn quan tâm