Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gian bếp của ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đôi khi bắt gặp dáng ngồi trầm tư của một cụ bà ở góc phố nào đó, tâm trí tôi lại nghĩ về ngoại nơi quê nhà. Ký ức dắt tôi trở về gian nhà thân thuộc, nghe tiếng ngoại tỉ tê những câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng hai từ “hồi xưa”. Ngỡ như mới đây thôi, tôi còn bé nhỏ trong gian bếp của ngoại, đắm mình giữa hơi ấm yêu thương, vỗ về…
Gian bếp của ngoại có một chiếc phản gỗ, tôi hay ngồi thả chân xuống đung đưa, mắt dõi theo tấm lưng ngoại mồ hôi rịn ướt áo, lom khom giữa những cuộn khói mơ màng. Đống lá khô, củi rừng còn đượm nồng mùi nắng, ngoại chất vào một góc bếp vấn vương tơ nhện. Tàn tro trải mỏng quanh chiếc lò đất bạc màu, loang lổ những vết nhọ đen. Cái chạn gỗ có tuổi đời còn lớn hơn tuổi tôi, ngoại xếp vào đó lỉnh kỉnh nồi niêu, chén bát, tất cả đều bàng bạc màu thời gian xưa cũ. Đôi gióng tre ám khói, ngoại móc lên trần nhà, lủng lẳng nồi cá kho, phòng lũ chuột và mèo ăn vụng. Cửa sau của gian bếp thông ra vườn chuối, ngoại nuôi một đàn gà quanh quẩn kiếm ăn. Khói nắng xiên qua những vạt lá chuối, rọi vào gian bếp giữa lúc trong lò tí tách lửa reo, ngoại ngồi trên phản, lụi cụi với mớ rau củ vườn nhà. Khung cảnh ấy bình yên đến nao lòng, mọi sóng gió ngoài kia dường như đã khép lại, tất cả đều đẹp tựa một giấc mơ.
Tôi đã lớn lên từ những bình dị như thế. Có gì ngoại cũng để dành, khi bánh khoai, bánh đúc, lúc trái chuối, trái xoài, chia đều cho đàn cháu nhỏ. Sợ tôi chạy nhảy ngoài đồng về bụng đói, ngoại thường xới cho tôi bát cơm nguội, trước khi lục đục nấu bữa cơm chiều. Món nào ngoại nấu cũng mềm, vị vừa phải không quá ngọt quá mặn, mùi thơm bềnh bồng cả gian bếp ấm. Qua bao mùa nắng mưa, ngoại cặm cụi muối những thạp dưa môn đậm đà quê kiểng, ăn chua chua, sừn sựt. Để rồi sau này lớn lên, ngược xuôi xứ người, tôi cứ nhớ mãi vị cá kho với dưa muối của ngoại. Có những ngày mưa, quay quắt thèm được về ngồi bên ngoại, ăn cá kho dưa cùng rau muống luộc, thêm dĩa cà pháo chấm mắm cá cơm mặn mà. Để lòng rưng rưng khi còn được nghe ngoại nhắc ăn thêm, nghe ngoại kể về ông khi ông đi xa lúc tôi chưa tròn tuổi. Thấy hơi ấm dìu dịu tỏa lan từ bếp lửa chờn vờn, từ những ân cần cùng ánh mắt âu yếm của ngoại.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Có phải càng trưởng thành, người ta càng nhớ đậm sâu bao điều cũ kỹ đơn sơ? Dường như khi gặp lại ký ức về những người thân yêu, dù con tim mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc run rẩy thổn thức. Để rồi đôi lần không cầm được nước mắt khi những thứ ta vô tình bỏ quên giữa tháng năm, một ngày hiện ra trước mặt.
Đôi chân đã rong ruổi nhiều nơi, từng đón ngày mới, tiễn hoàng hôn ở những phương trời xa xôi không phải là nhà. Nhưng làm sao tìm thấy dư vị thân quen của một làn gió mát, một vạt nắng chiều, của tiếng lửa réo rắt, mùi khói nao nao, hòa quyện thành nơi mà tâm hồn mãi thuộc về-chính là gian bếp của ngoại. Thì ra dẫu có qua bao đổi dời, tôi vẫn là tôi của những ngày còn quấn quýt bên ngoại, nôn nao đợi từ ngoại chén nước cơm nóng hổi. Vẫn là tôi, đứa cháu nhỏ mến tay mến chân, hay xoa dầu bóp vai cho ngoại những hôm trời trở gió. Mọi thứ vẫn vậy, chỉ có ngoại là già đi như ánh đèn lay lắt, còn tôi cứ mê mải cùng những xa vời mông lung.
Những ngày đại dịch, tôi nghĩ nhiều hơn về những người thân yêu. Từng thước phim sống động trong tâm tưởng từ những kỷ niệm xưa cũ cứ ùa về dào dạt. Nhớ những người luôn vì ta mà hy sinh vô điều kiện, cũng là một cách xoa dịu tâm hồn. Chợt thắt lòng, chợt xót xa khi nghĩ về bóng hình khắc khổ của những người già, vốn mong manh như khói như sương. Ngoại tôi giờ chỉ còn có thể đi đứng loanh quanh trong nhà, đáy mắt mênh mông một vùng trời ký ức. Chiều chiều, dáng ngoại ngồi lặng nghe đàn cháu nhỏ ríu rít, nhìn bóng hoàng hôn loang loáng ngoài đồng bãi. Ngoại ơi, lòng con không dám nghĩ đến mai sau, chỉ tha thiết mong sao ngoại cứ mãi bình an như thế…
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm