Hàng loạt dự án BOTđưa vào khai thác, vận hành lộ rõ những tồn tại như trạm thu phí “đặt nhầm chỗ,” tận thu để “không ai thoát,” chỉ định thầu các nhà đầu tư BOT.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Thời gian vừa qua, hàng loạt dự án BOT đưa vào khai thác, vận hành đã làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, giúp thời gian đi lại được rút ngắn, giảm tai nạn, thúc đẩy kinh tế-xã tại các địa phương.
Tuy nhiên, những bất cập của dự án BOT cũng đã lộ diện như một số trạm thu phí “đặt sai” vị trí dẫn đến làn sóng người dân phản đối BOT lan rộng ra tại các tỉnh thành.
Chưa hết, qua các cuộc kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm về chênh lệch tiền thu phí của nhà đầu tư; gian lận, che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí… Một phần nguyên nhân bởi hiện nay doanh nghiệp BOT chỉ báo cáo doanh thu về Tổng cục Đường bộ mà chưa có sự đối chiếu, hậu kiểm và công khai, minh bạch để người dân kiểm tra, giám sát.
Trước thực trạng trên, cơ quan quản lý khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ chống thất thu, minh bạch hóa việc thu phí, giúp xe lưu thông thông suốt (không phải dừng lại)... để các dự án BOT thực sự đem lại lợi ích cho xã hội.
Bài 1: Nhà quản lý đặt niềm tin vào ‘chiêu trò’ của nhà đầu tư?
Những bất cập của dự án BOT đã được các cơ quan quản lý Nhà nước thừa nhận sau khi hàng loạt dự án đã đưa vào khai thác, vận hành lộ rõ những tồn tại như trạm thu phí “đặt nhầm chỗ,” tận thu để “không ai thoát,” chỉ định thầu các nhà đầu tư BOT, tính nhầm thời gian thu phí đến tổng mức đầu tư… Những điều này đã dẫn đến làn sóng phản ứng các trạm BOT khá dữ dội.
Người dân mong muốn công khai, minh bạch doanh thu thu phí BOT của các nhà đầu tư nhưng hiện nay việc này chỉ đang dừng ở việc doanh nghiệp khai bao nhiêu cơ quan quản lý biết bấy nhiêu. Trong khi ấy, những “ông chủ” BOT thì có đủ “chiêu” gian lận, che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí.
Nhiều chiêu “qua mặt” cơ quan quản lý
Vụ cướp 2,2 tỷ đồng trong két sắt tại trạm thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây khi giao ca hồi đầu năm 2019 đã để lại nhiều dấu hỏi về số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc này là bao nhiêu, liệu có chênh lệch số thu thực tế so với báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)?
Ở một vụ khác, cơ quan Công an điều tra đã phát hiện, xử lý việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương kéo dài từ 2015-2019. Theo kết quả điều tra bước đầu, phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. Khi các phương tiện qua trạm, nhân viên vẫn thu phí bình thường nhưng phần mềm sẽ giúp xóa dữ liệu, thông tin về phương tiện qua trạm và việc thu phí đối với phương tiện.
Hiện, các cơ quan chức năng đang làm rõ từ năm 2015 đến lúc bị triệt phá, phần mềm đã giúp các trạm thu phí gian lận doanh số thu phí là bao nhiêu. Vấn đề dư luận đang quan tâm là có phải mỗi trạm thu phí BOT này gian lận doanh thu để trốn thuế?
Trước đó, năm 2016, sau tố cáo của một nhà đầu tư trong liên danh là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) tại BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ đã vào giám sát 10 ngày tại dự án này, kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ là gần 600 triệu đồng/ngày. Một ngày trạm BOT này thu được hơn 1,9 tỷ đồng nhưng trong báo cáo về Tổng cục và các cổ đông khác, doanh nghiệp chỉ khai ở mức 1,2-1,4 tỷ đồng.
Lẽ ra, từ những vụ việc này, cơ quan quản lý Nhà nước phải có những biện pháp đánh giá lại doanh thu của những dự án BOT khác, nhưng lại không thực hiện ngay. Và câu hỏi được đặt ra phải chăng cơ quan quản lý hầu như phải chấp nhận và tin vào sự trung thực báo cáo của nhà đầu tư BOT? Những dấu hiệu sai phạm có hệ thống này liệu có phải do nguyên nhân khách quan hay bởi được các nhóm lợi ích “đạo diễn”?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện thu phí cao hơn quy định hay thu nhiều thu ít phí của các dự án BOT thực chất là một hành vi sai trái, gian lận.
Theo ông Đức, việc phê duyệt dự án BOT cũng có phần dễ hơn các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, không lo thất thu. Còn các chủ đầu tư, sau khi được phê duyệt dự án, để thu hồi vốn, họ tìm mọi cách "móc túi" người dân, gian lận trong báo cáo thu chi hoặc kéo dài thời gian thu phí.
Câu hỏi được đặt ra phải chăng cơ quan quản lý hầu như chấp nhận và tin vào sự trung thực báo cáo của nhà đầu tư BOT? (Ảnh: TTXVN) |
Để làm được điều này, ông Đức chỉ ra doanh nghiệp cũng phải chi cho các “vây, cánh” xung quanh chứ không thể một mình hưởng lợi, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý nên càng ngày càng bộc lộ nhiều điểm hạn chế.
“Những vụ việc xảy ra vừa qua, rõ ràng cơ quan quản lý không có vai trò gì. Trách nhiệm tối thiểu của họ là phải giám sát, giám sát từ xa, giám sát bí mật, yêu cầu người trực tại chỗ, quay camera...,” ông Đức nêu ra thực tế.
Ai kiểm soát doanh thu BOT?
Hiện nay, việc theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí của hầu hết các trạm thu phí mới chỉ thông qua báo cáo doanh thu thu phí định kỳ theo tháng, quý, 6 tháng, 1 năm của nhà đầu tư và thanh, kiểm tra hàng năm. Điều này có nghĩa cơ quan quản lý sẽ dựa trên số liệu báo cáo của nhà đầu tư xem có đúng hay không và tiến hành giám sát, kiểm tra, hậu kiểm.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thời gian qua, Tổng cục đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước.
Nhìn nhận công tác kiểm tra, giám sát cũng chỉ thực hiện được bề ngoài như kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ, ông Toàn thừa nhận: “Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, cài phần mềm thì đơn vị kiểm tra cũng không biết. Có gian lận doanh thu hay không phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra như vụ gian lận thu phí ở cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Ở nhiều cuộc giám sát, Tổng cục phải mời cả phía bên công an để phát hiện ra gian lận.”
Theo các chuyên gia giao thông và kinh tế, để xảy ra tình trạng các trạm thu phí vẫn ngang nhiên vi phạm, gian lận, bên cạnh năng lực yếu kém, nguyên nhân chính vẫn là cơ quan chức năng còn lơi lỏng quản lý.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho biết, dù áp dụng công nghệ thông tin hay sử dụng phương pháp thủ công, nếu nhiều cá nhân trong chuỗi thu phí, từ nhân viên thu phí đến lãnh đạo công ty có ý đồ gian lận thì họ vẫn có thể che giấu doanh thu, trốn thuế dễ dàng. Từ đó, người dân vẫn không tin hay đặt ra thắc mắc, nghi ngờ kể cả có thực hiện công bố kết quả kiểm toán, thanh tra hay giám sát.
Từ đó, theo ông Thịnh cần có sự kiểm tra của người thụ hưởng dự án (người dân), tránh lợi ích nhóm để người tham gia giao thông tin tưởng rằng đóng phí là xứng đáng.
“Với sự tham gia người dân về kiểm tra giám sát với khoản thu, chi và xây dựng dự án trở thành đòi hỏi bắt buộc. Nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước phải công khai mọi khâu, thực hiện kết nối mạng trạm thu phí với máy quản lý để có kiểm tra, phải minh bạch để người dân cùng tham gia góp ý, cùng biết để có sự so sánh, kiểm tra. Đặc biệt để người dân ở khu vực có BOT tham gia giám sát, hoặc qua hiệp hội vận tải, ban ngành để kiểm tra định kỳ hoặc bất chợt,” ông Thịnh đưa ra giải pháp siết chặt thất thoát phí BOT.
Còn nữa
Việt Hùng-Xuân Dũng (Vietnam+)