Kinh tế

Giá cả thị trường

"Gian hàng Việt trực tuyến" hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất trong tỉnh đa dạng kênh bán hàng, định vị giá trị sản phẩm, giảm chi phí, trong khi người tiêu dùng được mua hàng giá tốt hơn nhờ giảm bớt các khâu trung gian.

Tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” từ tháng 4-2021 theo Dự án hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Quỹ châu Á, HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) có các sản phẩm gồm: tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và sản phẩm bộ cà phê Đak Yang. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc HTX-cho hay: Từ khi tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”, HTX được hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, HTX còn được xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và mở rộng kênh phân phối trên môi trường trực tuyến. “Qua gian hàng này, chúng tôi đã có nhiều khách hàng tìm đến cũng như thêm được các đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, HTX được hỗ trợ xây dựng gian hàng số hóa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để phục vụ xúc tiến thương mại trong thời gian tới. Đồng thời, HTX được kết nối với các tập đoàn bán lẻ lớn để ký thỏa thuận hợp tác đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị với nhiều ưu đãi riêng”-bà Nga thông tin.

 Thương mại điện tử đang là xu hướng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: V.T
Thương mại điện tử đang là xu hướng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
“Gian hàng Việt trực tuyến” là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) với các sàn TMĐT nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và thực hiện chủ trương của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Vì vậy, sản phẩm dựa trên những tiêu chí có sẵn, đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Là 1 trong 3 đơn vị của Gia Lai được hỗ trợ tham gia dự án, Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee đã ký hợp đồng với 2 sàn TMĐT là Sendo.vn, Voso.vn. Bà Trịnh Thị Lương-Giám đốc Công ty-cho biết: “Khi tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, Công ty còn được miễn phí mở gian hàng, quảng bá sản phẩm và bán hàng. Nhờ đó, doanh số tăng lên đáng kể”. Cũng theo bà Lương, việc tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” không chỉ giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà còn xây dựng hình ảnh cho đơn vị. Đồng thời, khi mua trên các sàn, khách hàng sẽ được giảm các chi phí trung gian.

Ngoài 3 đơn vị tham gia dự án thì Gia Lai có thêm 17 đơn vị đăng ký với Bộ Công thương tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”. Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng, Sở đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn TMĐT và đối tác liên quan triển khai.

Cũng theo bà Nguyệt, các đơn vị đăng ký tham gia phân phối sản phẩm trên “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ được hỗ trợ, tư vấn; được miễn phí mở gian hàng 3-6 tháng tính từ thời điểm tham gia; hỗ trợ phát triển thương mại đa kênh, liên kết theo chuỗi giá trị cho sản phẩm; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc căn cứ theo nhu cầu và loại hình sản phẩm; hỗ trợ phí chuyển phát 20-50% theo từng giai đoạn; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt... Ngoài ra, các đơn vị còn được tham gia các chương trình xúc tiến bán hàng trên cả nước và các khu công nghiệp do Bộ Công thương chủ trì; được truyền thông trong các sự kiện như hội nghị kết nối cung cầu ở 3 miền, hội chợ OCOP.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm