Câu chuyện bảo tồn voi Đắk Lắk nói riêng và voi rừng Tây Nguyên nói chung đã được nhiều địa phương đặt ra từ rất lâu nhưng đến nay, công tác bảo tồn còn nhiều thách thức. Để đạt mục tiêu gầy dựng voi nhà, bảo vệ đàn voi rừng bền vững, ngành chức năng cần sớm đưa ra các giải pháp hạn chế khai thác sức voi làm du lịch, tạo môi trường sống cho voi...
Một cá thể voi lớn tuổi sau nhiều năm làm du lịch được đưa vào Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk để cán bộ trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. |
Khi voi nhà bận làm du lịch nên lười... "yêu"
Đường Quốc lộ 27 đoạn từ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về huyện Lắk mùa này rợp ngàn cánh bướm khoe sắc màu. Mùa sầu riêng năm nay dù đầu mùa nhưng giá cao nên đa phần nông dân phấn khởi chở đầy ắp sầu riêng trên xe công nông giao hàng đại lý. Mặc cái nắng hanh hao trong buổi sáng mai, người buôn, kẻ bán sầu riêng cứ hối hả, tấp nập…
Tình cờ xe chúng tôi cùng chiếc xe của đoàn khách Hàn Quốc tạm dừng cuộc trình tại khu vực hồ Lắk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), khu du lịch nổi tiếng ở Đắk Lắk. Tại bãi đất trống, đàn voi nhà thong thả gặm mía sau thời gian dẫn khách thăm quan. Dưới vài bóng cây cổ thụ, nhiều nài voi mệt mỏi ngã lưng trên võng lấy lại sức.
Vài người Hàn Quốc khi thấy những con vật to đồ xộ nên ai cũng háo hức chụp ảnh lưu niệm, lân la tiến gần sờ nắn, cho voi ăn mía. Trẻ con người nước ngoài hay cả trẻ con trong nước vốn hiếu động, nô đùa quá trớn nên không ít lần nài voi nhắc nhở tránh xa voi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Mấy chục năm rồi, ông Y Mứ Bkrông (thị trấn Liên Sơn) đã quen với việc cho voi H’Bang Nang (38 tuổi) làm du lịch chở khách. Sau mỗi chuyến đi quanh hồ Lắk, ông Y Mứ Bkrông thu tiền trực tiếp từ khách du lịch rồi thả voi ở khoảnh đất gần nhà.
Không riêng voi H’Bang Nang, nhiều voi nhà tại huyện Lắk có chung tình cảnh sống trong môi trường nuôi nhốt, làm du lịch nhiều năm nay. Áp lực chở khách mỗi khi dịp hè về nên chuyện voi nhà được thả tự do vào rừng tìm kiếm thức ăn, vui chơi hay “yêu đương” cũng hiếm xảy ra theo tự nhiên.
Chuyện voi nhà “bận” làm du lịch lâu nay vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong đó, nhiều chuyên gia phản đối, cho rằng đó là hành vi khai thác quá sức lao động của voi… Đáng nói nữa là, voi nhà làm du lịch vô hình chung đã gây khó khăn khi ngành chức năng thực hiện những kế hoạch trong khuôn khổ Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk.
Trước đó, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk từng tạo điều kiện để voi nhà có cơ hội “yêu” nhau. Với bản tính kín đáo, những nàng voi nhà trên địa bàn chỉ đồng ý “yêu” voi đực khi nàng thật sự có tình cảm. Nếu không có tình cảm, voi cái quyết chống đối, tấn công voi đực đến chết. Và rồi trải qua bao nỗ lực, voi H’Bang Nang cuối cùng đã “đậu thai” sau chuyện tình với chàng voi cùng huyện. Những hy vọng của giới chuyên gia và người dân địa phương chào đón chú voi con đầu tiên ra đời sau mấy chục năm đã không thành hiện thực. Voi H’Bang Nang không thể giữ lại con của mình khi voi con bị ngạt chết trước khi ra đời.
Ông Y Mứ Bkrông cho rằng, trường hợp của voi H’Bang Nang sau khi mất con khiến sức khỏe có phần giảm sút, thay đổi tâm sinh lý. Khi để voi H'Bang Nang làm du lịch, ông luôn lưu tâm theo dõi, quan sát hành động của voi, tránh những rủi ro đối với khách. “Mình phải để voi làm du lịch mới có thêm thu nhập chi trả cuộc sống gia đình. Biết là để voi chở khách như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe của voi nhưng không còn cách nào cả!” – ông Y Mứ Bkrông bộc bạch.
Từ câu chuyện voi H’Bang Nang, nhiều địa phương ở Tây Nguyên không riêng Đắk Lắk vẫn đang đi tìm lời giải làm thế nào để hài hòa chuyện người dân khai thác sức voi làm kinh tế và công tác bảo tồn, phát triển đàn voi nhà?
Nhân viên tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk chăm sóc, huấn luyện voi theo phương pháp chủ động, tránh đánh đập voi nhà. |
Cấp "chứng minh nhân dân" cho voi để phục vục công tác bảo tồn
Cuối tháng 4 vừa qua, tôi nhận được cuộc gọi của nài voi Y Vinh Niê (huyện Lắk): “Bọn em vừa “cấp chứng minh” cho voi (!?), anh xuống ngay!”. Hóa ra, Y Vinh cùng các chuyên gia tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk vừa gắn thành công “chíp” vào bên trong voi nhà tại huyện Lắk.
“Em vui quá nên không giải thích rõ” - Y Vinh cười hiền – “gắn chíp này chẳng khác gì cấp “chứng minh nhân dân” cho voi anh ạ. Gắn chíp cho voi để tạo điều kiện trong công tác quản lý, chăm sóc, nghiên cứu về đàn voi. Sau khi gắn chíp, mỗi cá thể voi được lập hồ sơ về các thông số như chiều cao, cân nặng, giới tính...”
Ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk – cho biết, đến hết năm 2017, Trung tâm Bảo tồn voi đã triển khai gắn chíp cho voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk được 30/45 voi. Ông Luân giải thích, khi cấy chíp, Trung tâm Bảo tồn voi sẽ cử cán bộ theo dõi và cập nhật những thông tin mới vào hồ sơ của từng cá thể voi. Các hoạt động theo dõi kiểm tra việc chăn nuôi voi được tiến hành 6 tháng/lần. Hoạt động này nhằm kiểm tra việc thực hiện các điều khoản trong bản cam kết của các chủ nuôi và tiến hành phối hợp với Chi cục kiểm lâm xử lý khi có dấu hiệu vi phạm – ông Luân nói.
Một trong những tín hiệu mừng trong công tác bảo tồn voi nhà Đắk Lắk là, sau trường hợp voi H’Bang Nang đậu thai nhưng không giữ được voi con, hiện một cá thể voi nhà cũng tại huyện Lắk đã đậu thai thành công. Ông Luân thông tin, theo kết quả xét nghiệm mới nhất về hoocmon và siêu âm thì huyện Lắk voi cái Bắk Khăm mang thai khoảng 12 tháng, dự kiến sinh sau khoảng 12 tháng sau. “Chúng tôi đã có những khuyến cáo với chủ voi và thực hiện việc hỗ trợ chủ voi về việc voi mang thai. Khi voi mang thai thì không còn phục vụ du lịch nữa, sẽ được Trung tâm tích cực chăm sóc” - ông Luân cho biết.
Còn nhiều thách thức trong công tác bảo tồn voi
Được biết, dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gene động, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người…
Sau 5 năm triển khai, dự án đã mang lại những thay đổi tích cực trong công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đàn voi nhà 45 con được theo dõi về sức khỏe, quản lý, lập hồ sơ lý lịch, khám chữa bệnh định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý, tẩy ký sinh trùng… bằng các phương pháp chữa trị truyền thống kết hợp với các phương pháp chẩn đoán bệnh thú y hiện đại.
Đối với công tác bảo tồn đàn voi rừng, Đắk Lắk xác định được khoảng 5 đàn voi với khoảng 80-100 cá thể vùng phân bố, sinh cảnh sống ổn định của voi trong phạm vi khoảng 173 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn; triển khai cứu hộ thành công nhiều con voi rừng gặp nạn, đặc biệt là cứu hộ thành công con voi Jun (6 tuổi) bị vướng bẫy sứt vòi, mất đế chân, voi Gold 2 tuổi, bị lạc mẹ và rơi xuống giếng khi mới 3 tháng tuổi.
Vừa qua, trong cuộc họp đánh giá giữa kỳ về hiệu quả của “Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk” diễn ra tại địa phương này đầu tháng 5, giới chuyên gia nhận định việc bảo tồn voi ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều thách thức như đàn voi nhà phần lớn đã già và đang phải thường xuyên phục vụ du lịch; sinh cảnh của đàn voi rừng ngày càng thu hẹp; cơ sở vật chất phục vụ bảo tồn voi còn hạn chế…
Một thực tế là tại Đắk Lắk, ngay cả những chuyên gia tại Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk trong quá trình chăm sóc, theo dõi các cá thể voi nhà đều phải tự tìm hiểu, áp dụng linh hoạt các phương pháp trên thế giới để bảo tồn voi. Chẳng hạn như tạo đồ vật "làm giàu" cho voi - đồ vật để voi chơi đùa - nhằm giúp voi phát triển trí thông minh và hạn chế nguy cơ tử vong đối với voi nhà. Từ việc tự xoay sở, vừa làm vừa rút kinh nghiệm này khiến công tác bảo tồn mất nhiều thời gian đánh giá hiệu quả...
Ông Cao Chí Công - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, để công tác bảo tồn voi đạt được hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, ngành có liên quan cần tiến hành điều tra chi tiết, toàn thể quần thể voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở theo dõi quần thể và di biến động của voi hoang dã; tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu xung đột giữa voi và người, bảo vệ tài sản, tính mạng và sức khỏe của người dân; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn sinh cảnh voi hoang dã; tiếp cận, học hỏi các phương pháp sinh sản nhân tạo để gia tăng số lượng voi nhà...
Lộc Bình (LĐO)