Kinh tế

Giá cả thị trường

Gian nan lộ trình phát triển vật liệu không nung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Kỳ 2: Nhiều khó khăn khi triển khai
(GLO)- Theo thống kê, tính đến quý II-2018, trên địa bàn tỉnh có 12 dây chuyền sản xuất gạch không nung, tổng công suất thiết kế khoảng 109,5 triệu viên/năm. Việc đưa gạch không nung vào các công trình xây dựng cũng đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Tuy nhiên, quá trình triển khai lộ trình này còn gặp nhiều hạn chế từ phía cơ sở sản xuất cũng như khi đưa vào thi công.
Gạch không nung khó tiêu thụ
Việc ban hành lộ trình sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng gạch nung được coi là cơ hội tốt cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản xuất của các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn.
“Nhà máy sản xuất gạch không nung Tài Thịnh Phát có công suất thiết kế là 16 triệu viên/năm. Chúng tôi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với chi phí khoảng 10 tỷ đồng. Từ tháng 7-2017 đến nay, nhà máy đã sản xuất được 2 triệu viên gạch nhưng hiện mới chỉ bán được khoảng 500 ngàn viên. Nhà máy cũng chỉ hoạt động khoảng 20% công suất do thị trường chưa quen sử dụng và giá thành sản phẩm còn khá cao so với gạch đất sét nung. Thêm nữa là mấy năm nay, An Khê cũng ít có những công trình xây dựng do Nhà nước đầu tư nên Nhà máy chủ yếu bán cho các địa phương lân cận như Kbang, Kông Chro, Đak Pơ hay tỉnh Bình Định với số lượng không nhiều”-ông Đinh Công Tài-quản lý Nhà máy gạch không nung của Công ty TNHH một thành viên Tài Thịnh Phát (Khu Công nghiệp An Khê) cho hay.
 Sản xuất gạch không nung tại Nhà máy Tiến Minh Gia Lai. Ảnh: H.D
Sản xuất gạch không nung tại Nhà máy Tiến Minh Gia Lai. Ảnh: H.D
Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) được coi là một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch không nung uy tín, chất lượng nhất khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản phẩm của Công ty cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Bà Phạm Thị Kim Khánh-Giám đốc Công ty-cho biết: “Công ty đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất gạch không nung với công suất 60 triệu viên/năm. Nguyên liệu đầu vào được chúng tôi lựa chọn kỹ càng, quy trình sản xuất đảm bảo đúng quy định để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bất cứ sản phẩm nào xuất đi cũng đều được Công ty dán nhãn ghi đầy đủ thông tin về tên sản phẩm, ngày sản xuất, quy cách, tiêu chuẩn chất lượng. Nhưng trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung không đảm bảo chất lượng khiến khách hàng đánh đồng với chất lượng gạch của Công ty, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm gạch không nung của các nhà máy nói chung và Công ty Tiến Minh nói riêng”.
Có một thực tế là hiện người dân chưa mặn mà với việc sử dụng gạch không nung vì loại gạch này có trọng lượng khá nặng, độ hút nước cao, giá bán cao hơn so với gạch nung khoảng 30-40%. Vì vậy, những công trình sử dụng gạch không nung chủ yếu là đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó có bắt buộc sử dụng 30-50% gạch không nung.
Hạn chế trong xây dựng
Mặc dù mới được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng tại chân cầu thang và một số bức tường của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (236 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) đã xuất hiện một số vết nứt. Ông Trần Đình Quang-Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Phú Thuận (TP. Pleiku), đơn vị thi công công trình này-nhận định: “Đơn vị đã triển khai thi công nhiều công trình có đưa gạch không nung vào sử dụng, hầu hết đều có những vết nứt ngang, dọc khác nhau. Nguyên nhân có thể là do độ nặng, độ ngót của gạch... Đơn vị cũng dùng nhiều cách khắc phục như dùng vật liệu sika để tăng độ bám dính, hoặc dùng lưới mắt cáo kèm theo trong lúc xây dựng. Tuy nhiên, vẫn chỉ có thể khắc phục được phần nào chứ không triệt để”.
 
Tại hội thảo về vật liệu xây dựng gạch không nung diễn ra ngày 14-9 tại TP. Pleiku, Tiến sĩ Trần Bá Việt-nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Tại các nước phát triển, gạch không nung chiếm khoảng 60% tổng vật liệu xây dựng. Gạch không nung có nhiều ưu điểm như: không cần sử dụng đến đất nông nghiệp, không trải qua công đoạn dùng than củi để đốt, do vậy tiết kiệm được nguồn nhiên liệu lớn, hạn chế nạn chặt phá rừng bừa bãi, không gây hại đến môi trường. Cường độ chịu lực của gạch không nung khá tốt, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm, lượng vữa dùng để xây dựng bằng gạch không nung và trát giảm đến 2,5 lần so với gạch truyền thống.

Nhiều công trình xây dựng khác cũng đã gặp tình trạng tương tự như Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa), Bệnh viện Nhi tỉnh… Ông Bùi Thanh Bình-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh-đánh giá: “Đa số gạch không nung có trọng lượng khá nặng, nặng hơn khoảng 50% so với gạch nung. Một số công trình sử dụng gạch không nung có hiện tượng nứt. Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể là do chưa đủ 100% thời gian đông kết; gạch trước khi xây, trát quá khô vào mùa nắng dẫn đến háo nước hoặc quá ẩm do bão hòa nước khi tập kết ngoài trời vào mùa mưa, khi xây xong gặp mưa liên tục đều giảm lực dính kết giữa gạch và vữa trong khối xây; cốt liệu bột đá trong gạch không nung có độ trương nở khi ngậm nước nên có thể tăng co ngót gây biến dạng trong khối xây; công nhân thi công theo thói quen như xây gạch nung truyền thống...”.
Hạn chế dễ thấy là đặc tính kỹ thuật của gạch không nung khác với gạch nung về sự giãn nở vì nhiệt dưới tác động của điều kiện thời tiết nhưng công tác thi công xây dựng và bảo dưỡng vẫn dựa trên những kỹ năng thuần túy như xây gạch nung. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu khối xây gạch không nung.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm