Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Giàn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong khuôn viên vườn nhà hồi xưa ở quê có một nơi tưởng như chẳng quan trọng, không được chú ý “đầu tư” nhưng lại không thể thiếu trong sinh hoạt của con người, đó là cái giàn nước. Nếu hàng rào, bờ giậu làm đẹp sân vườn, làn khói bếp tạo nên không khí đầm ấm trong nhà thì giàn nước gắn liền với việc ăn uống của gia đình.
Giàn nước nằm ở phía chái bếp, hướng đi ra giếng để tiện lấy nước, thường làm bên cây khế, cây ổi để có bóng mát. Làm giàn nước không tốn nhiều vật liệu như giàn bầu, giàn mướp mà gọn nhẹ hơn nhiều, nhưng phải chắc chắn. Chôn mấy cái trụ, cột cây ngang qua, dùng các thanh tre cật đặt lên, lấy dây mây bện chặt tạo nên mặt giàn bằng phẳng. Nối thêm một đoạn cây dọc theo thân một trụ để móc cái gàu xách nước. Trên giàn, đặt cố định một góc là vò nước, có cái gáo dừa tròn ũm, cán dài trông như con chuồn chuồn đậu trên miệng vò. Bên cạnh là rất nhiều thứ dùng cho công việc nội trợ: nồi, chảo, dao, thớt, cái thau để rửa thức ăn, sóng chén để úp chén, đĩa phơi nắng sau khi rửa. Dưới đáy giàn có cái thùng đất để chứa nước cơm, thức ăn thừa dùng nấu cho heo; có mấy cái chậu, cái bát sứt mẻ đựng nước sạch cho gia súc, gia cầm uống; có hòn đá để mài dao, rựa...
Nhìn vào cái giàn biết được mức sống hàng ngày và độ chỉn chu của một gia đình. Toàn bộ thức ăn trước khi nấu đều được bày ra trên giàn để rửa: từ con cá, miếng thịt đến rau củ quả. Cũng nhìn vào cái giàn mà biết được nhà đông đúc hay neo người. Nếu có “chuyên gia” nội trợ thì vò lúc nào cũng đầy nước, giàn sạch nhẵn. Xối nước thường xuyên nên đất dưới giàn luôn ẩm ướt, xung quanh có cây ớt, bụi húng quế mọc luôn tươi tốt. Nhà neo người, khó khăn thì vò khô queo, giàn mốc, mọt. Vì ít rửa thức ăn nên dưới giàn khô rang, từng mảng rêu bong ra khỏi mặt đất, cong lại!
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Giàn nước chẳng những là nơi sinh hoạt của con người mà còn là không gian cho gia súc, gia cầm quần tụ. Sáng sớm, chú gà trống choai nhảy lên tập gáy, bước đệm cho sau này bay lên giàn bầu, giàn mướp cao hơn. Những buổi trưa nắng, chó, heo, gà, vịt đều tập trung uống nước, chia “vùng lãnh thổ” để tránh nắng. Đôi khi có “tranh chấp” thì đàn gà bao giờ cũng nhiều lời, lớn tiếng nhất. Sau một thời gian, trên giàn có một số chỗ mọc ra nấm dai hoặc nấm mỉu, hái chùm nấm dai nấu canh, chùm nấm mỉu phơi khô, khi cần lấy ra chế biến thức ăn.
Thời gian con người ở bên giàn nước cũng nhiều như bên bếp lửa. Sáng sớm, trưa, chiều đều cần đến giàn nước. Đêm, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, dọn rửa cho đến khuya. Vai trò của giàn nước cũng không kém gì giàn bếp: nếu giàn bếp cất giữ đồ khô, thức ăn đã chín thì giàn nước là nơi để thức ăn tươi sống, chuẩn bị cho việc nấu ăn. Trong nhà có giàn bếp, ngoài nhà có giàn nước. Giàn bếp gần với lửa, giàn nước đương nhiên gắn với nước. Nghe như là xung khắc nhau nhưng kỳ thực là hỗ trợ nhau.
Từ ngày làng quê có điện, nước được dẫn thẳng vào gian bếp nên cái giàn kiểu “truyền thống” không còn nữa. Thay vào đó là kệ bếp, bồn rửa, vòi nước rất tiện lợi. Nhưng với những ai đã từng một thời xách nước giếng bằng gàu dây thì giàn nước là một hình ảnh không thể nào quên!
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm