Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản trong quý I/2020 có lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Tỷ lệ hấp thụ chưa đạt 15%
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, tình hình thị trường bất động sản quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở có tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt gần 54.000 sản phẩm, tuy nhiên, giao dịch chỉ ghi nhận hơn 7.600 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ: 14,3%)
Giao dịch bất động sản giảm sâu nhất 4 năm qua. |
Tại Hà Nội có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 sản phẩm. Trong đó có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.
Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng: Quý I/2020 tại Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 9.414 sản phẩm. Trong đó có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng, sản phẩm căn hộ đủ điều kiện bán hàng (chủ yếu từ 2 đại dự án của VinGroup), tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó có 4.664 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 815/4.664 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.
Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng: Quý I/2020 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 2.816 s/p (trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng), bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại các khu vực khác: Giao dịch chủ yếu là các dòng sản phẩm thấp tầng (đất nền, liền kề,..). Trước Tết Nguyên đán, đây vẫn là dòng sản phẩm dành được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng do tình hình dịch bệnh nên giao dịch diễn ra rất hạn chế.
Đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, trong quý I/2020 sản phẩm mới chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các Dự án đã chào bán trước đó.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “ngủ đông”
Dự báo về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
“Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước”, ông Đính nêu.
Nhiều văn phòng giao dịch phải đóng cửa. |
Cũng theo ông Đính, thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Trong đó, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.
Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh). Điều này tạo ra áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá.
Đặc biệt, ông Đính cho rằng, giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.
Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, quý II/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng bởi đây vẫn là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu tháng 5, tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có những động thái thức tỉnh và có sự khởi động.
Theo Trần Kháng (Dân Việt)