Kinh tế

Giá cả thị trường

Giao dịch hàng hóa phái sinh: Giảm thiểu rủi ro trước biến động bất lợi về giá cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê cần kết hợp nhiều phương pháp và công cụ khác nhau, trong đó có việc sử dụng công cụ giao dịch hàng hóa phái sinh để giảm thiểu rủi ro trước biến động bất lợi về giá.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Gia Lai với tổng diện tích khoảng 100.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng đạt hơn 267.000 tấn/năm. Cà phê cũng là mặt hàng nông sản chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 với giá trị đạt 490 triệu USD. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Gia Lai duy trì ổn định khoảng 98.000-100.000 ha cà phê để tập trung nâng cao chất lượng, giá trị thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Thị trường cà phê có tính biến động cao. Điều này gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, bao gồm nông dân, người thu mua, nhà chế biến, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và bán lẻ. Vì vậy, để cung cấp cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê những thông tin và kiến thức mới nhất về thị trường, ngày 29-9, Sở Công thương phối hợp với Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo về chủ đề “Quản trị rủi ro giá nông sản nhìn từ thị trường cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng”.

Cà phê là mặt hàng nông sản chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 với giá trị đạt 490 triệu USD. Ảnh: V.T

Cà phê là mặt hàng nông sản chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022 với giá trị đạt 490 triệu USD. Ảnh: V.T

“Tại hội thảo, các doanh nghiệp được chuyên gia giới thiệu tổng quan về thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam; hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và các thành viên theo Luật Thương mại; ứng dụng giao dịch hàng hóa phái sinh trong quản trị rủi ro giá cà phê; một số hợp đồng dùng để quản trị rủi ro về giá và các phương thức hợp đồng xuất khẩu cà phê; một số chứng nhận cà phê bền vững; giới thiệu phương pháp mua bán phòng hộ phù hợp với người nông dân và đại lý cà phê. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giao dịch hàng hóa phái sinh trong quản trị rủi ro về giá cà phê. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu về các công cụ quản trị rủi ro giá cà phê, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh”-bà Nguyệt thông tin.

Ông Trần Văn Bình-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest-cho hay: “Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam được quản lý bởi Bộ Công thương và được tổ chức bởi Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), là nơi cung cấp các sản phẩm giao dịch đa dạng, bao gồm nhiều loại nông sản, kim loại, năng lượng… Thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường hàng hóa thế giới một cách thuận lợi, qua đó có thể mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh; cung cấp các công cụ phái sinh giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh hàng hóa. Giao dịch hàng hóa phái sinh là hình thức giao dịch trong đó các bên thỏa thuận mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa tại một mức giá xác định trước vào một thời điểm trong tương lai, được thực hiện trên Sở Giao dịch hàng hóa, nơi các nhà giao dịch có thể mua và bán các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn hoặc hợp đồng hoán đổi. Nó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, hợp đồng thanh toán, quản lý rủi ro về giá cả của hàng hóa”.

Giá cà phê hiện đang ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi. Ảnh: V.T

Giá cà phê hiện đang ở mức cao nên nông dân rất phấn khởi. Ảnh: V.T

Liên quan đến việc quản trị rủi ro về giá, ông Ngô Minh Vương-Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư giao dịch hàng hóa TVT (314 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thời gian gần đây, thị trường cà phê biến động về giá rất lớn. Điều này mang lại lợi nhuận nhưng cũng có không ít rủi ro cho người kinh doanh. Với vai trò là “bà đỡ” của nông dân, các đại lý cà phê thường phải ứng trước phân bón, vật tư và chốt giá để thu hồi bằng cà phê sau khi thu hoạch hoặc người nông dân cần bán trước cà phê cho đại lý khi chưa thu hoạch, thường được gọi là “bán lúa non”. Điều này sẽ phát sinh tính không an toàn cho đại lý bởi cà phê thì vẫn phải chốt số lượng, nhưng giá thì không ai biết trước thị trường sẽ như thế nào khi đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, các đại lý đều dùng biện pháp chốt giá tiếp theo đối với các công ty lớn hơn để bảo đảm không bị thiệt hại nếu giá cà phê sụt giảm khi đến vụ như một cách phòng hộ. Tuy nhiên, đại lý sẽ thiếu phần chủ động khi xảy ra trường hợp công ty vì lý do nào đó ngưng mua hay ngưng cho chốt giá. Bên cạnh đó, việc chốt giá kiểu “bán lúa non” sẽ đem lại nhiều thiệt thòi cho người nông dân và đó không thực sự là mua bán phòng hộ, bởi khi đã “bán lúa non” thì không bao giờ có giá cao”.

Cũng theo ông Vương, để tránh rủi ro, nông dân có thể hợp đồng ủy thác đại lý thay mặt mình để bán cà phê phòng hộ trên sàn giao dịch. Để thực hiện điều này, nông dân chỉ thực hiện ký quỹ với đại lý và đại lý ký quỹ với sàn giao dịch theo kiểu đòn bẩy tài chính ở mức 10-12% tổng giá trị hàng hóa sẽ chốt mua. “Sự kết hợp bán phòng hộ trên sàn giao dịch phái sinh theo dạng ủy thác chắc chắn sẽ giúp nông dân tăng cơ hội bán sản phẩm ở nhiều thời điểm trong năm, ngay cả khi họ chưa thu hoạch sản phẩm. Từ đó, nông dân tránh được tình trạng được mùa mất giá, bị ép giá khi vụ mùa rộ lên. Còn đại lý cũng không phải rơi vào thế rủi ro khi chốt hàng với nông dân”-ông Vương nói.

Hiện nay, việc tiếp cận kiến thức, thông tin, kinh nghiệm về tham gia thị trường giao dịch hàng hóa của người kinh doanh còn hạn chế, và rủi ro về giá là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cà phê. Theo ông Trần Ngọc Huy-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai, sử dụng các công cụ phái sinh có thể quản lý rủi ro giá cà phê, tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, nó cũng sẽ có những nhược điểm nếu giá của hàng hóa cơ sở biến động theo hướng bất lợi. Nhà đầu tư có thể thua lỗ vượt quá số tiền ký quỹ nếu giá hàng hóa cơ sở biến động mạnh, có thể gặp khó khăn trong việc bán hợp đồng nếu thị trường không thanh khoản.

Có thể bạn quan tâm