Giáo dục

Tin tức

Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở Gia Lai: Kết quả đáng ghi nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai luôn chú trọng công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Nhờ đó, công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp trẻ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Em Trần Kế Tuấn Vương (Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang) và cô giáo bên chiếc máy phơi đồ do em tự sáng chế. Ảnh: Mai Ka

Em Trần Kế Tuấn Vương là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang). Vương sinh ra đã bị khuyết tật vận động, thiếu bàn tay phải. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, nhà trường và bạn bè, Vương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Trong suốt 12 năm học, em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm lớp 9, em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của huyện tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Vương còn tìm tòi, sáng chế ra chiếc máy phơi đồ tự động để tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường.

Vương tâm sự: “Vì không muốn bố mẹ buồn nên em luôn nỗ lực hết mình. Ở trường, em luôn được các thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ. Đây là động lực để em phấn đấu vươn lên trong học tập”.


Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh-cho biết: “Với những học sinh khuyết tật như Vương, việc học tập sẽ gặp nhiều khó khăn. Toàn trường có 3 học sinh khuyết tật. Nhà trường đặc biệt quan tâm, khuyến khích các em đến trường. Theo quy định, các em được miễn phần học thực hành của bộ môn Giáo dục thể chất-Quốc phòng. Ban đầu, các em khá chậm và nhút nhát so với bạn bè. Tuy nhiên, nhờ sự tận tâm của giáo viên cũng như tình cảm của các bạn trong lớp, các em đã dần tiến bộ và tự tin thể hiện năng khiếu, sở trường của mình”.  

Trao học bổng cho các em học sinh khuyết tật nỗ lực vươn lên trong học tập ở huyện Kông Chro. Ảnh: Hà Phương

Ở hầu hết cơ sở giáo dục có trẻ khuyết tật theo học, giáo viên đã đề ra phương pháp, kỹ năng dạy học đặc thù và điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp đánh giá cho phù hợp với năng lực, nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý các trường được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức, điều hành, quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ theo từng dạng tật.

Ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-cho hay: “Học sinh khuyết tật được tham gia giáo dục hòa nhập, được miễn giảm hoặc thay thế các nội dung học, hoạt động giáo dục phù hợp năng lực của các em. Đối với các môn học mà học sinh khuyết tật có thể tham gia học giáo dục hòa nhập, kết quả được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu”.

Theo bà Phạm Thị Thi Giang-Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT), trẻ khuyết tật được ưu tiên tuyển sinh vào trường phổ thông và trường mầm non. Trẻ khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định 3 tuổi.

Việc đánh giá trẻ khuyết tật tại các trường được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học. Các môn học mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng thì đánh giá theo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân; trẻ khuyết tật nặng được ưu tiên xét tốt nghiệp THCS và THPT.

Trẻ khuyết tật cũng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Ngoài ra, học sinh khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở và được hỗ trợ 1 triệu đồng/năm học.

“Thời gian qua, công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục được thực hiện khá tốt, đảm bảo đúng theo quy định. Công tác giáo dục hòa nhập đạt hiệu quả là nhờ sự đóng góp của cả cộng đồng. Vì vậy, công tác này không chỉ cần sự cố gắng của giáo viên, cán bộ quản lý mà phải có phần đóng góp của cha mẹ và cộng đồng. Đến nay, số trẻ khuyết tật có khả năng học tập trên địa bàn tỉnh được tiếp cận giáo dục là 894 em, chiếm 73,4%. Thời gian tới, ngành GD-ĐT phấn đấu nâng tỷ lệ trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục lên 75%”-bà Giang cho biết thêm.

MAI KA

Có thể bạn quan tâm