(GLO)- Giáo dục hướng nghiệp là giải pháp hữu hiệu để phân luồng học sinh sau bậc học THCS và THPT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện công tác này.
Cuối tháng 9-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2134/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025”. Ngày 26 và 27-6 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn cùng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai tổ chức hội nghị triển khai đề án này. Nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra tại hội nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Định hướng nghề theo năng lực học sinh
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là hoạt động cần thiết nhằm giúp học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và của địa phương, từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế. Những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo ông Phạm Văn Hinh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang), đa số học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THCS đều nghỉ ở nhà hoặc đi học nghề. Do đó, nhà trường luôn chú trọng đến công tác giáo dục nghề nghiệp cho các em, góp phần phân luồng học sinh sau THCS một cách hiệu quả. Những em có học lực tốt sẽ tiếp tục bước vào cánh cửa THPT, thậm chí cao đẳng, đại học; ngược lại sẽ được định hướng vào các cơ sở dạy nghề. Qua tuyên truyền, vận động, nhà trường đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh trong việc giúp con em chọn nghề phù hợp theo khả năng của mình.
|
Đào tạo nghề Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: M.T |
Còn ông Nguyễn Văn Hà-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) cho biết: Sau khi tốt nghiệp THCS, khoảng 60-70% học sinh của trường tiếp tục học lên THPT, số còn học nghề song song với học văn hóa tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). “Chúng tôi định hướng cho các em thông qua chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa (1 tiết/tuần), lồng ghép khi giảng dạy bộ môn Công nghệ và phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Những nghề mà các em thường hướng đến là cơ khí, sửa chữa ô tô-xe máy, may mặc... vì học xong dễ có việc làm, phù hợp với nhu cầu ở địa phương”-ông Hà nói.
Đối với học sinh, việc được hướng nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông phần nào giúp các em tự đánh giá được năng lực và chủ động, tự tin hơn trong việc chọn nghề nghiệp tương lai. Em Siu Viên (thị trấn Phú Thiện) chia sẻ: “Nhờ được thầy cô tư vấn hướng nghiệp, sau khi học xong lớp 12, em đã quyết định chọn học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Đầu ra cho ngành này cũng khá dễ dàng nên em rất yên tâm. Sau khi tốt nghiệp, em có thể làm việc tại các nhà máy lắp ráp, garage, dịch vụ chăm sóc ô tô…”.
Cần đổi mới hoạt động giáo dục hướng nghiệp
Phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ. “Nguyên nhân của thực trạng này đến từ nhiều phía như: hạn chế trong nhận thức của phụ huynh nói riêng và toàn xã hội nói chung về giáo dục nghề nghiệp; công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông còn mang tính hình thức; đội ngũ làm công tác phân luồng và hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo bài bản; quy mô đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu… Đây là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ”-ông Long nhấn mạnh.
|
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh: M.T |
Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, thời gian đến, ngành GD-ĐT sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị mở rộng mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề. Cùng với đó, phát huy tính chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông và tăng cường xã hội hóa trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh; dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai, giúp học sinh và phụ huynh có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp”.
|
Ông Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) thẳng thắn nhìn nhận: Nhà trường đã thực hiện giáo dục hướng nghiệp dưới hình thức vừa lồng ghép vừa độc lập. Ở cả 3 khối lớp được bố trí mỗi tháng 1 tiết giáo dục hướng nghiệp, tương đương với 9 tiết/năm học; riêng khối 11 có 3 tiết/tuần, chủ yếu dạy nghề Tin học văn phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao vì nhiệm vụ hướng nghiệp chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban Giám hiệu thực hiện, thiếu nguồn thông tin cập nhật chính thống, tin cậy. Mặt khác, giữa các trường THPT với các Trung tâm GDNN-GDTX trong cùng địa bàn huyện chưa có cơ chế hay sự liên kết ràng buộc nào. Công tác phân luồng học sinh sau trung học tại địa phương cũng còn rất khiêm tốn (khoảng 10%). “Trường chúng tôi hàng năm vẫn tuyển sinh 80-90% số học sinh THCS, trong khi lực học của nhiều em rất yếu, khó theo nổi hết bậc THPT. Do vậy, việc tuyên truyền để phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của hướng nghiệp, tránh tâm lý nặng nề về bằng cấp là vô cùng cần thiết; đồng thời cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX và trường trung cấp, cao đẳng nghề trong quá trình triển khai thực hiện. Thêm vào đó, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu”-ông Thế đề xuất.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” của UBND tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% trường THCS và THPT trong tỉnh có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ (đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%); ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%); ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng (các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%).
Để đạt được mục tiêu này, hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó lưu ý đến vấn đề đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các cơ sở đào tạo nghề nên tổ chức linh hoạt chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… để định hướng đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp nghề. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng phòng Đào tạo và Khoa học công nghệ (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai) thông tin: “Trường chưa được giao nhiệm vụ giảng dạy chương trình GDTX cho học sinh học trung cấp nên chúng tôi phải liên kết với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Cơ và Đak Đoa. Học sinh theo học chương trình GDTX tại các trung tâm này sẽ được đăng ký học nghề do Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai dạy. Gần như 100% học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên không phải đóng học phí, ngoài ra còn được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành. Đây là một trong những điều kiện thu hút các em đăng ký học song song 2 chương trình”.
MỘC TRÀ