Giáo dục

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.

Có những “địa chỉ đỏ” ta đã biết đến từ lâu, đã tìm hiểu nhiều thông tin liên quan nhưng chỉ khi một lần đặt chân đến thì mới thật sự nhận được những bài học giá trị. Sơn Mỹ, vùng đất nổi tiếng với cuộc thảm sát đẫm máu của quân đội Mỹ cách đây 56 năm, là một nơi như thế.

Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Lam Nguyên

Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Lam Nguyên

Xã Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi). Từ buổi sáng 16-3-1968 định mệnh, Sơn Mỹ đã trở thành sự kiện rúng động lương tri nhân loại. Cho rằng đây là nơi có Việt cộng ẩn náu, với mệnh lệnh: “Hễ thấy gì động đậy là giết”, lính Mỹ đã đổ quân xuống làng quê và thẳng tay sát hại 504 thường dân vô tội chỉ trong 4 giờ đồng hồ. Trong số các nạn nhân có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già. Có dòng họ bị giết sạch không còn một ai. 247 ngôi nhà bị đốt cháy rụi, cả vùng quê êm ả biến thành tử địa. Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ. Còn chúng tôi, những người đến thăm Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ hôm ấy cũng không khỏi rùng mình trước tội ác chiến tranh, càng không thể ngăn nổi nước mắt trước nỗi đau quá lớn mà đến nay thời gian vẫn chưa thể xóa nhòa.

Dù vậy, nói như Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thì: “Giờ đây, vấn đề Sơn Mỹ không còn là sự tranh cãi về những gì đã diễn ra, những gì đã được phơi bày, mà là làm thế nào để bóng đen ở Sơn Mỹ, nỗi kinh hoàng ở Mỹ Lai 55 năm về trước vĩnh viễn không bao giờ lặp lại bất cứ nơi đâu trên trái đất này”. Chiến tranh đã qua đi, một phía vẫn đang kiếm tìm sự tha thứ, phía còn lại kiếm tìm sự bình yên. Còn thế hệ sau như chúng tôi thì hiểu ra rằng, đôi khi phải đi, phải đến, phải chứng kiến tận cùng nỗi đau để thêm yêu những gian lao và hy sinh của Tổ quốc mình, để thấm hiểu niềm hạnh phúc khi được là công dân trên một đất nước thanh bình.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, nhiều sự kiện ý nghĩa cũng được tổ chức tại Gia Lai để nhắc nhớ lòng biết ơn về những năm tháng hòa bình. Đơn cử, ngày 26-4, Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) đã phối hợp với Trường THPT Tôn Đức Thắng tổ chức “Tiết học biên cương” ngay tại cột mốc 30 trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia. “Tiết học biên cương” là chương trình được triển khai rộng khắp ở các tỉnh thành giáp biên với các nước bạn nhằm giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh nâng cao nhận thức, xác định được trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại chương trình, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã giới thiệu khái quát đến các em học sinh về lịch sử đường biên, cột mốc; công tác quản lý, bảo vệ biên giới, công tác đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm; hoạt động tuần tra kiểm soát đường biên, cột mốc... của lực lượng làm nhiệm vụ tại biên giới.

Dịp này, các cán bộ, chiến sĩ cùng thầy-cô giáo và học sinh đã đến thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm 11 liệt sĩ của Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978. Một bài học lịch sử sống động đã đi vào trí nhớ của các công dân tương lai đầy thuyết phục như thế.

Các em học sinh chăm chú nghe thuyết minh về những tư liệu lịch sử quý giá tại triển lãm “Di sản Văn hóa Côn Đảo-Gia Lai”. Ảnh: Hoàng Ngọc

Các em học sinh chăm chú nghe thuyết minh về những tư liệu lịch sử quý giá tại triển lãm “Di sản Văn hóa Côn Đảo-Gia Lai”. Ảnh: Hoàng Ngọc

Từ ngày 26-4 đến 26-5, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng diễn ra triển lãm chuyên đề mang đậm ký ức lịch sử, đó là triển lãm “Di sản Văn hóa Côn Đảo-Gia Lai”. Chương trình gồm 3 phần nội dung: “Di sản Văn hóa Côn Đảo-Hội nhập và Phát triển”; “Từ Điện Biên Phủ đến chiến thắng Đak Pơ”; “Anh hùng Núp-niềm tự hào của Tây Nguyên”. Hoạt động trên được tổ chức nhằm chào mừng 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động; 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 110 năm ngày sinh Anh hùng Núp. Với gần 500 hình ảnh, tư liệu quý được trưng bày, triển lãm đã thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu, ngay cả khi khuôn viên Bảo tàng đã lên đèn. Điều này chứng tỏ lịch sử luôn có sức hút lớn đối với các thế hệ, quan trọng là cách “kể chuyện” sao cho hấp dẫn, sinh động.

Không chỉ vậy, tại lễ khai mạc triển lãm, các nhân chứng lịch sử là những cựu tù chính trị người Gia Lai từng bị tù đày ở Nhà tù Côn Đảo đã chia sẻ những câu chuyện không thể nào quên về những năm tháng sống giữa “địa ngục trần gian”. Cuộc giao lưu với các nhân chứng sống đã tác động sâu sắc đến nhận thức của những người đến với triển lãm, đặc biệt là các em học sinh. Em Nguyễn Gia Kiệt, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) cho hay, em thích học môn Lịch sử nên đây là cơ hội giúp em hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. “Từ hình ảnh tư liệu và buổi giao lưu với các nhân chứng, em mong muốn tìm hiểu sâu hơn về Nhà tù Côn Đảo”-Kiệt nói.

Cần lắm những “giờ học” lịch sử lý thú như thế để truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc mãi được nhắc nhớ trong niềm tự hào. Không chỉ qua trang sách, giáo dục lịch sử cần được quan tâm làm mới bằng nhiều cách, từ đó đắp bồi tình yêu thiêng liêng dành cho Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm