Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Giáo dục văn hóa để xây dựng con người mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vấn đề xây dựng con người phải gắn liền với giáo dục văn hóa vì văn hóa là cái gốc của phát triển. Lời Bác dạy năm xưa mang nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn đến ngày nay “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Trồng người” chính là vấn đề đào tạo một thế hệ trẻ có tài có đức để đủ sức đưa nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ hằng mong muốn.

 
“Giữ gìn bản sắc di sản Hát Then” (Làng nhà sàn Thái Hải, Thái Nguyên). Ảnh: Trần Thị Huyền
“Giữ gìn bản sắc di sản Hát Then” (Làng nhà sàn Thái Hải, Thái Nguyên). Ảnh: Trần Thị Huyền


“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc…”

Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã dành riêng một mục nhấn mạnh đến sự nghiệp “trồng người”: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

“Trồng người” gắn liền với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Xây dựng con người mới, phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Tháng 6 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76/KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; có nêu rõ: “Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Con người được giáo dục đầy đủ về văn hóa sẽ có ý thức tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh.

Để lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp

Văn hóa bao trùm trong nhiều lĩnh vực và chi phối mọi mặt của đời sống. Ngay trong kinh doanh cũng có văn hóa kinh doanh được hiểu là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, những phương thức và kết quả hoạt động của con người được tạo ra và sử dụng trong quá trình kinh doanh. Và các nhân tố cấu thành nền văn hoá kinh doanh bao gồm từ triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp cho đến văn hóa ứng xử trong kinh doanh…

Mỗi đơn vị, công ty đều có một văn hóa kinh doanh có những điểm chung và có những đặc thù riêng cho lĩnh vực của mình. Nếu thực hiện đúng văn hóa kinh doanh thì tình trạng hàng giả, hàng lậu, cạnh tranh không lành mạnh, lũng đoạn thị trường… sẽ giảm đi nhiều. Tương tự như vậy nếu nắm vững văn hóa giao thông, người dân sẽ đi đúng luật, không vượt bừa, phóng ẩu, sẽ giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm. Sẽ không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau, lao lên phần đường của các phương tiện cơ giới khác, sẽ không còn hiện tượng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…

Được giáo dục về văn hóa ứng xử, con người sẽ tôn trọng nhau hơn, hợp tác với nhau vì mục đích tốt đẹp hơn là chỉ nhăm nhăm thỏa mãn cái tôi “cá tính” của mình. Trong mỗi gia đình, nền nếp sẽ được ổn định, duy trì không có chuyện con cãi cha mẹ, em mắng chửi anh… Gia đình là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội kỷ cương, ổn định.

Sẽ không còn hiện tượng bạo lực học đường nhan nhản như mấy năm gần đây, chuyện làm nhục người khác rồi quay video tung lên mạng xã hội. Không còn những “anh hùng nhất khoảnh” kiểu “Khá bảnh” nữa…

Cũng trong kết luận số 76/KL/TW của Bộ Chính Trị có nêu: “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”. Khẳng định, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam”.

Giáo dục văn hóa cũng chính là việc thực thi và lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt điển hình trong mọi lĩnh vực để mọi người trong xã hội cùng học tập và noi theo. Đồng thời đấu tranh và loại bỏ những lối sống lai căng, ngoại nhập, giữ vững bản sắc tâm hồn Việt Nam. Và chống lại những hủ tục, biểu hiện mê tín dị đoan vừa gây lãng phí xã hội vừa tham nhũng lòng tin trong nhân dân như vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) năm trước là một minh chứng rõ nét.

 

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/giao-duc-van-hoa-de-xay-dung-con-nguoi-moi-873007.ldo

Theo Việt Văn (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm