Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao thông đường thủy tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hàng trăm phương tiện thủy nội địa (TNĐ) phục vụ đi lại, đánh bắt thủy sản, khai thác khoáng sản, vận chuyển người và hàng hóa tại các ao hồ, sông suối. Do nhiều nguyên nhân nên loại hình giao thông này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tàu thuyền tự thiết kế, điều khiển không giấy phép

Ông Trương Quốc Khánh (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) kể: “Nếu tôi không nhầm thì đã có ít nhất 2 vụ lật thuyền khiến 2 người tử vong trên sông Sê San. Cuối năm 2020, có cặp vợ chồng người Jrai ở xã Ia Khai (huyện Ia Grai) điều khiển thuyền máy ngang qua sông Sê San bị lật úp. Người vợ may mắn sống sót, còn anh chồng thì không. Trước đó 1 năm, cũng có 1 người chết khi chiếc phà chở xe ô tô 16 chỗ ngang qua sông Sê San đến địa phận xã Ia Khai bị lật do gặp sóng to.

Nguyên nhân các vụ tai nạn có thể là do bất cẩn, không quen đường hoặc lái ẩu. Bởi lẽ, đa phần người điều khiển phương tiện TNĐ ở đây đều chưa tham gia các khóa học để được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện. Bản thân tôi cũng lái tàu chở khách tham quan làng chài Sê San nhưng là do kinh nghiệm tích lũy từ mấy chục năm sinh sống trên sông nước”.

Bến đò A Sanh (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) có nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động. Ảnh: N.T

Bến đò A Sanh (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) có nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động. Ảnh: N.T

Mưa như trút nước trên sông và hồ thủy điện Sê San. Vậy nhưng, không ít tàu thuyền vẫn xuôi ngược. Ở tại bến đò thuộc làng Nú (xã Ia Khai), 8 chiếc phà sắt phành phạch rẽ sóng ngang qua khúc sông rộng chừng 100 m để chở người, xe cộ và hàng hóa qua lại. Đáng nói là trên mấy chiếc phà sắt cũng không hề treo áo phao cứu sinh hay phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Anh Ksor Truyền (làng Dom, xã Ia Khai) cho hay: “Mình làm công nhân cao su bên xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum) nên thường qua lại bằng phà. Phí trả cho người ta mỗi lượt đi là 20 ngàn đồng”.

Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-thông tin: “Do nhu cầu đi lại của dân xã Ia Khai và Ia Tơi đông nên hai bên bờ sông Sê San hình thành nhiều bến đò tự phát. Các phương tiện TNĐ cũng do người dân tự đóng. Lực lượng chức năng của xã cũng đã kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người dân ký cam kết chấp hành quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên vẫn có tình trạng phớt lờ, né tránh việc chấp hành quy định đảm bảo an toàn khi qua lại trên các phương tiện TNĐ”.

Thị trấn Ia Ly và xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) có 72 phương tiện TNĐ của doanh nghiệp, người dân. Những phương tiện này chủ yếu phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản, đánh bắt thủy sản và đi lại trên hồ thủy điện Ia Ly, Sê San. Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho hay: “Trên địa bàn có 57 chiếc thuyền được đóng bằng vật liệu gỗ hoặc nhựa của dân 3 làng là Dip, Dôch 1 và Dôch 2. Phần lớn những chiếc thuyền này do người dân tự đóng lấy. Đây là phương tiện giúp bà con qua sông, hồ thủy điện Sê San làm rẫy, vận chuyển nông sản và đánh bắt thủy sản. Các chủ phương tiện cũng chưa được đào tạo điều khiển phương tiện TNĐ. Xã đã khảo sát, lập danh sách đào tạo chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện TNĐ nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Đình Sơn: “Huyện Chư Păh và Ia Grai có nhiều phương tiện TNĐ, trong đó, huyện Ia Grai chiếm đa số. Mới đây, Sở phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và UBND huyện Ia Grai tiến hành khảo sát thực tế. Qua khảo sát cho thấy, 60/146 phương tiện TNĐ trên địa bàn huyện Ia Grai không đúng mẫu mà Cục Đăng kiểm Việt Nam thiết kế đã chuyển cho người dân trước đó. Bên cạnh đó, đại đa số người điều khiển phương tiện TNĐ chưa tham gia các lớp đào tạo để được cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện”.

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Bà Hoàng Thị Lệ-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly-chia sẻ: Theo thống kê của Công an thị trấn, trên địa bàn có 15 phương tiện TNĐ, chủ yếu hoạt động tại khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly. Thời gian qua, song song với hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, UBND thị trấn chỉ đạo lực lượng Công an thị trấn kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh, an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực có nhiều phương tiện TNĐ neo đậu.

“Đơn cử, từ ngày 15 đến 21-3-2023, tổ công tác của Công an xã phối hợp với lực lượng chức năng 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an ninh, giao thông tại hồ thủy điện Ia Ly. Qua kiểm tra đã phát hiện 7 tàu neo, tập kết trong và ngoài phạm vi lòng hồ trái quy định. Tổ công tác đã tuyên truyền, yêu cầu chủ các phương tiện neo đậu ở các vị trí quy định nhằm đảm bảo cho hoạt động của Nhà máy Thủy điện Ia Ly, đảm bảo an ninh và ATGT, ký cam kết không sử dụng tàu khi chưa được cấp phép”-bà Lệ cho biết.

Người dân vượt sông trên phà sắt ở bến làng Nú không mặc áo phao. Ảnh: N.T

Người dân vượt sông trên phà sắt ở bến làng Nú không mặc áo phao. Ảnh: N.T

Còn theo ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: Ủy ban nhân dân huyện vừa có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý phương tiện TNĐ trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, chiêu sinh, hướng dẫn chủ phương tiện giao thông tham gia các lớp đào tạo chứng chỉ điều khiển phương tiện TNĐ. Lực lượng Công an huyện thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: chở quá số người, đăng kiểm quá thời hạn, giao cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Huyện cũng chỉ đạo 3 xã Ia O, Ia Khai và Ia Grăng đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo ATGT đường thủy và kiểm tra các phương tiện hoạt động chở khách du lịch, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động TNĐ. Đồng thời, UBND huyện cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tuyên truyền về công tác đảm bảo ATGT đường thủy tại các thôn, làng ở gần sông, suối và hồ thủy điện.

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm: “Thời gian qua, Sở đã phát hơn 1.500 tờ rơi tuyên truyền an toàn, xử phạt phương tiện TNĐ và kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ 800 áo phao, 15 vật dụng nổi để cấp cho người dân. Sở cũng đã thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 21 phương tiện TNĐ thuộc diện quản lý. Về cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện TNĐ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Trường Cao đẳng Giao thông đường thủy II phối hợp mở lớp chiêu sinh. Đối với công tác đăng kiểm, Sở sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đăng kiểm cho 60 phương tiện ở huyện Ia Grai được kiểm tra thực tế, hướng dẫn sửa đổi cho phù hợp với mẫu thiết kế trước đó. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, giao Thanh tra Giao thông kiểm tra và xử lý phương tiện TNĐ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân”.

Có thể bạn quan tâm