Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao thông mở lối kết nối phát triển-Kỳ 3: "Đánh thức" vùng sâu, vùng xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, sự hiện hữu của từng mét đường dân sinh chính là nỗi mong chờ lớn nhất. Nhiều tuyến đường kết nối đã xóa đi bao khó khăn, trắc trở lâu nay giúp đồng bào Jrai, Bahnar gầy dựng cuộc sống ấm no.
Những con đường “Ý Đảng, lòng dân”
Phải từng đặt chân đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh thì mới hiểu được con đường chính là khát vọng lâu đời nay của người dân nơi đây. Khởi đầu của sự vươn lên thoát nghèo bền vững ở “ốc đảo” Kon Pne hay Pờ Yầu chính từ những con đường của “Ý Đảng, lòng dân”. Khi mạch máu giao thông được lưu thông cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền trong phát triển kinh tế-xã hội, vận hành nhanh nhạy, kịp thời và sâu sát hơn sẽ tiếp sức cho đất khó vươn lên.
Những năm qua, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) đã dành nguồn kinh phí hơn 30 tỷ đồng đầu tư hơn 27 km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường ra khu sản xuất. Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Thanh khẳng định: “Việc kết nối các tuyến đường trục xã với tuyến giao thông quan trọng sẽ giúp việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như trung tâm huyện thuận lợi hơn. Việc tháo gỡ nút thắt về giao thông sẽ là đòn bẩy giúp kinh tế-xã hội địa phương phát triển”.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì khẳng định: Định hướng của huyện sẽ mở 5 km đường từ xã Ia Pnôn ra quốc lộ 14C đi tỉnh Đak Lak; mở đường từ xã Ia Nan qua xã Ia Kriêng, Ia Pnôn rồi nhập với tuyến đường biên giới cấp bách để mở hướng phát triển toàn diện khu vực biên giới. “Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ đầu tư 4 tuyến đường xương sống với chiều dài khoảng 22 km (hơn 100 tỷ đồng) kết nối trung tâm huyện đến các xã với tuyến đường giao thông trọng điểm. Từ nguồn kinh phí được phân bổ 184 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đi lại cho người dân; kết nối các vùng sâu, vùng xa tạo đà phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian đến”-ông Định nhấn mạnh.
Tỉnh lộ 666-đoạn qua xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) hoàn thành giúp kết nối thuận lợi với trung tâm huyện cũng như các địa phương khác. Ảnh: Minh Nguyễn
Tỉnh lộ 666-đoạn qua xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) hoàn thành giúp kết nối thuận lợi với trung tâm huyện cũng như các địa phương khác. Ảnh: Minh Nguyễn
Không lâu nữa, tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện Mang Yang với 5 xã vùng căn cứ cách mạng phía Nam sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng sẽ hoàn thành. Tuyến tỉnh lộ 666 có tổng chiều dài 60,5 km, có điểm đầu nối quốc lộ 19 và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết các xã, huyện vùng khó. Ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-cho hay: “Tỉnh lộ 666 đoạn qua xã có chiều dài khoảng 16 km đã hoàn thành tạo điều kiện kết nối thuận lợi hơn với trung tâm huyện và một số xã lân cận cũng như các huyện như: Ia Pa, Kông Chro. Hiện nay, các tuyến đường từ làng đến trung tâm xã, đường ra khu sản xuất đều đã được địa phương đầu tư hoàn chỉnh nên dễ dàng kết nối với tuyến tỉnh lộ huyết mạch này”.
Đi trên cây cầu bê tông bắc qua dòng sông Ba lộng gió, ông Nay Ngơi (buôn Dan, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) phấn khởi cho hay: “Nhịp cầu lòng dân” đã rút ngắn được chặng đường hơn 10 km so với việc đi vòng qua cầu Phú Cần. Quan trọng hơn, cầu Ia Rmok sau khi hoàn thành đã kết nối thị trấn Phú Túc với các xã phía Nam sông Ba như: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng. Đây cũng là tuyến kết nối giữa quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện phát triển giao thương, tiếp cận với các dịch vụ về y tế, giáo dục. Ngoài ra, 4 cây cầu khác cũng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Dự án RLAMP (ở xã Phú Cần và Ia Rsai). Đây là những công trình nằm trên tuyến giao thông quan trọng nối trung tâm các xã với các buôn làng.
Đặc biệt, Huyện ủy Krông Pa đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các xã, thị trấn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Trong giai đoạn này, toàn huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp gần 165 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 231 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo đánh giá: “Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, có quy hoạch và tầm nhìn cụ thể đã góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản, tạo động lực cho các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế”.
Nhiều tuyến đường liên huyện, xã, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kết nối vào các tuyến quốc lộ tạo thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhiều tuyến đường liên huyện, xã, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng kết nối vào các tuyến quốc lộ tạo thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong khi đó, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Huyện ủy Kông Chro cũng ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư, huyện đã xây dựng, sửa chữa hơn 150 hạng mục công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 266 km. Đáng chú ý, năm 2022, huyện dành hơn 124 tỷ đồng tập trung vào các dự án giao thông nông thôn, sửa chữa các tuyến đường huyết mạch như: đường từ thị trấn Kông Chro đi các xã Đak Pling, Đak Tơ Pang; đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang nhằm kết nối với đường Trường Sơn Đông để giải quyết việc đi lại, vận chuyển nông sản cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Theo ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: “Việc mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã đã kết nối lưu thông, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân. Đến nay, đường giao thông kết nối đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã được bê tông hóa gần như hoàn toàn. Mặt khác, việc ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, trở thành đòn bẩy giúp các địa phương thoát nghèo bền vững”.
Sức bật từ liên kết vùng
Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông kết nối tuyến quốc lộ 14, 19 và các tỉnh lộ 661, 663, 664, 665 đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho các địa phương nằm dọc trên tuyến. Đặc biệt, không những liên kết vùng khó với vùng thuận lợi, mở ra hướng vận tải mới mà tuyến đường còn hình thành và phát triển các đô thị, điểm dân cư mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nơi tuyến đường đi qua.
Nhiều ngôi nhà mới nối tiếp nhau mọc lên dọc hai bên đường từ các xã: Ia Nhin (huyện Chư Păh), Ia Bă, Ia Tô (huyện Ia Grai), Ia Dơk, Ia Kla, Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) cho đến Ia Púch, Ia Ga, Ia Pia (huyện Chư Prông). Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-vui mừng cho hay: “Trước đây, đường cũ rất hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Từ xã muốn qua huyện Đức Cơ phải đi vòng sang quốc lộ 14C, mất nhiều thời gian. Giờ có đường mới, chỉ cần chạy thẳng một mạch là tới, người dân rất phấn khởi. Nhiều hộ dân có nhà mặt đường đã sửa sang hàng quán để buôn bán, kỳ vọng con đường sẽ giúp đời sống người dân ngày một khởi sắc”.
Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Pleiku đi các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương tuyến đường đi qua. Ảnh: Minh Nguyễn
Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Pleiku đi các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trên tuyến đường đi qua. Ảnh: Minh Nguyễn
Năm 2010, khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, toàn tỉnh chỉ có 3/184 xã đạt tiêu chí giao thông. Đến năm 2015, con số này là 71 xã và đến nay đã là 100 xã. Trong đó, 90,09% chiều dài đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện và 78,27% chiều dài đường trục thôn, làng, đường liên thôn, làng đã được cứng hóa; 60,16% chiều dài đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. 
Tới đây, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông hoàn thành sẽ kết nối vào tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông hình thành mạng lưới giao thông khép kín 6 huyện phía Tây của tỉnh với vùng động lực Chư Sê, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng và phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội cả tỉnh nói chung. Chưa hết, tuyến tỉnh lộ 664 cũng được nâng cấp, mở rộng sẽ nối với tuyến đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku và các tuyến đường liên huyện rồi cùng với quốc lộ 14C tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh, tạo thành vành đai kinh tế Pleiku-Ia Grai. Tỉnh lộ 665 hoàn thành việc nâng cấp nối quốc lộ 14 với quốc lộ 14C sẽ liên kết vùng động lực Chư Sê với huyện Chư Prông.
Kể từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường liên huyện đã tạo nên một hệ thống giao thông liên kết chặt chẽ, kỳ vọng đem tới sức bật để Gia Lai bứt phá trong tương lai. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động với các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng, trước mắt tập trung vào hạ tầng giao thông, đó là các tuyến đường bộ mang tính kết nối, đột phá nhằm khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng khẳng định: “Hạ tầng ngày một hoàn thiện là cơ sở quan trọng thúc đẩy giao thương, đặc biệt là những tuyến đường liên huyện đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực. Đây chính là điểm tựa để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận; mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn”.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm