Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao thương bằng đường sông trước thế kỷ XX: Đậm sâu trong miền nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh sống trên đỉnh dãy Trường Sơn, trước thế kỷ XX, con đường quan trọng nhất để cư dân Bắc Tây Nguyên nói chung, người Jrai và Bahnar ở tỉnh Gia Lai nói riêng giao thương với bên ngoài là đường sông. Tương tự như vậy, con đường để các tộc người khác đến với vùng đất này cũng là những con sông. Ở phía Đông là sông Ba, sông Côn; còn ở phía Tây chính là dòng Sê San và các phụ lưu.
1. Trên sườn Tây, dòng Sê San bắt nguồn từ những đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn ở tỉnh Kon Tum, có độ dốc bình quân 5,5%, thấp dần về phía biên giới Việt Nam-Campuchia. Chảy theo hướng Bắc-Nam, Tây Bắc-Đông Nam, sông Sê San qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) rồi đổ vào sông Sêrêpôk trước khi hợp với sông Sê Kông ở gần thị xã Stung Treng (Campuchia) để đổ vào Mê Kông. Ở Việt Nam, Sê San có 2 nhánh lớn là Đak Bla, Pô Kô và một nhánh nhỏ đổ về phía hạ lưu là sông Sa Thầy. Trên sông Sê San, việc giao thương đã từng diễn ra khá sôi nổi giữa các dân tộc tại chỗ với người Khmer, Xiêm, Lào… với phương tiện chủ yếu là những chiếc thuyền độc mộc, được làm từ thân cây nguyên khối, gọt đẽo trơn tru.
Di chuyển trên dòng sông có nhiều ghềnh thác, những con thuyền thường không được các chủ nhân trang trí cho đẹp mắt bằng cách tháp thêm vào hay gọt đẽo… để tạo thành những khối lồi ra khỏi thân thuyền như ở đồng bằng. Đây là lựa chọn tối ưu, đảm bảo cho sự bền chắc của thuyền mỗi khi va vào ghềnh, đá; đồng thời cũng thuận lợi cho người sử dụng mỗi khi phải dỡ hàng ra khỏi thuyền để mang vác, kéo thuyền và hàng qua các thác, ghềnh. Trên mỗi con thuyền độc mộc, người ta có thể chở khoảng 200 kg hàng hóa.
 Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô. Ảnh: P.L
Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô. Ảnh: P.L
Dấu vết của hoạt động này hiện còn thấy ở các làng Jrai ven sông Sê San. Hiện trên địa bàn huyện Ia Grai vẫn còn khoảng 50 chiếc thuyền độc mộc, tập trung chủ yếu ở 3 xã biên giới: Ia Khai, Ia O và Ia Krai. Trong đó, có những chiếc thuyền gỗ đã được chế tác và gìn giữ cách đây hơn 60 năm. Những con thuyền được làm gần đây nhất cũng đã có hơn 20 năm tuổi. Vì việc sử dụng thuyền trên sông Sê San hiện không còn phổ biến nên số người biết làm thuyền độc mộc trong vùng không còn nhiều. Theo kinh nghiệm của ông Rơlan Pêng (SN 1963, ở làng Nú, xã Ia Khai), thuyền độc mộc phải được làm từ cây gỗ sao mà người Jrai gọi là jial. Đây là loại gỗ chắc, ít bị nứt và chịu được nước. Sau khi chọn được cây đủ to, dài và thẳng, công đoạn đầu tiên là người thợ sẽ dùng rìu khéo léo vạc sâu vào thân gỗ để tạo lòng thuyền. Sau khi đã khoét xong phần ruột bên trong thân cây, người ta mới đẽo bên ngoài để tạo dáng cho con thuyền. Những chiếc thuyền độc mộc ở vùng này thường có chiều dài dưới 10 m, phình ra ở giữa và thon dần về hai mũi. Phần mũi thuyền có dáng bè dẹt, hơi vươn lên.
Việc đẽo thuyền đòi hỏi sự tỉ mỉ, mỗi nhát rìu đưa phải vừa lực, để lưỡi rìu không ăn quá sâu vào gỗ. Trong Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô lần thứ nhất (tháng 5-2019) do huyện Ia Grai tổ chức, tại hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O), 5 chiếc thuyền chúng tôi đo được có kích thước như sau: thuyền 1: dài 7,14 m và rộng 0,94 m; thuyền 2: 7,5 m và 0,8 m; thuyền 3: 7,6 m và 0,88 m; thuyền 4: 8,2 m và  0,62 m, sâu 0,32m; thuyền 5: 7,24 m và 0,73 m. Vấn đề quan trọng trong kỹ thuật đẽo thuyền độc mộc không chỉ là tạo dáng con thuyền sao cho đẹp, mà phải tạo được độ cân bằng để thuyền khỏi chòng chành khi xuống nước. Kinh nghiệm thử độ cân bằng của thuyền được những nghệ nhân vùng này thực hiện là: lật úp thuyền xuống, rồi đặt lên chính giữa sống lưng thuyền một quả trứng gà. Nếu quả trứng đứng im là thuyền đạt yêu cầu. Công đoạn cuối cùng để hoàn thành một chiếc thuyền là đốt lửa hong, nhằm làm cho gỗ cứng hơn và quan trọng hơn là để thuyền không bị ngấm nước.
2. Ở phía Đông, trong nửa đầu thiên niên kỷ II sau công nguyên, con đường chính để người Chăm thâm nhập vùng cao Bắc Tây Nguyên là sông Ba và các phụ lưu của nó, với nhiều dấu vết để lại trên các bậc sông như: phế tích đền tháp Bang Keng ở cửa sông Krông Năng (huyện Krông Pa); cụm đền tháp Yang Mum, Dran Glai, Kuai King ở ngã ba sông Ayun Pa; dấu tích gạch đá ong và đầu rắn Naga dưới lớp di tích Tây Sơn; bia đá chăm Tư Lương… Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, khi anh em nhà Tây Sơn vận động khởi nghĩa và lập căn cứ địa Thượng đạo (1771-1773), hệ thống sông Ba và sông Côn vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xâm nhập, mở rộng căn cứ địa và khu vực ảnh hưởng của 3 anh em nhà Tây Sơn. Còn trước đó, dòng sông Côn đã gắn với con đường buôn trầu nổi tiếng của Nguyễn Nhạc đưa trầu từ vùng Tây Sơn Thượng đạo về hạ đạo.
Giai đoạn sau này, sông Ba vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương giữa người Kinh (Việt) từ đồng bằng Phú Yên lên Phú Túc-Cheo Reo (nay là Krông Pa, Ayun Pa và các huyện phụ cận); là một phần của “con đường muối” nối khu vực cư dân Gia Lai với Tuy Hòa (Phú Yên)… Tuy nhiên, giao thông đường sông ở sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn có điểm khác biệt lớn: nếu ở sườn Tây, phương tiện di chuyển chính là thuyền độc mộc thì ở sườn Đông, phương tiện chính để di chuyển trên các con sông là bè, mảng... mà nguyên nhân có lẽ là do dòng sông Ba vốn đã yên ả hơn dòng Sê San.
Ngày nay, khi hệ thống đường bộ ngày càng hoàn thiện, các dòng sông không còn đóng vai trò quan trọng trong giao thương nội ngoại vùng, những chiếc thuyền độc mộc, bè mảng trên sông vì thế mà thưa vắng dần. Nhưng trong lịch sử Gia Lai và ký ức của một bộ phận cư dân, những dòng sông hùng vĩ năm xưa vẫn đậm sâu trong miền nhớ.
 NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Có thể bạn quan tâm