(GLO)- Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku đã chuyển đổi từ hình thức dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Việc chuyển đổi này là cần thiết nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều giáo viên còn lúng túng, chưa tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp.
Tôi cũng có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu năm học đến nay, phần lớn các con học trực tuyến thay vì đến trường. Qua theo dõi, tôi thấy: Những ngày đầu, con rất hứng khởi. Con chủ động hẹn đồng hồ, chuẩn bị sách vở, quần xanh, áo trắng, khăn quàng đỏ trước khi đi ngủ. Sáng sớm, áo quần chỉnh tề, ngồi trước màn hình máy tính để bắt đầu buổi học. Ngày thứ nhất, ngày thứ 2 dù việc dạy và học đôi lúc trục trặc do lỗi hệ thống, lỗi mạng… nhưng mọi chuyện vẫn ổn. Đến ngày thứ 3, tình hình đã khác, con không còn hứng thú, thậm chí uể oải, ngáp ngắn thở dài khi đến giờ ngồi vào bàn học. Học được một lúc, con tắt camera, tắt micro, làm việc riêng, có lúc lại đứng lên đi lấy nước, lấy đồ ăn vặt…
Thông thường, người lớn khi phải ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để tiếp nhận thông tin một cách thụ động còn uể oải, huống chi con trẻ. Giáo viên thì chưa thích ứng với phương pháp dạy học mới; chưa phát huy được vai trò kết nối, truyền cảm hứng cho học sinh. Vẫn biết đây là hình thức học tập mới mẻ, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực khi học sinh đông, kỹ năng, thao tác và tính tự giác còn hạn chế. Song hơn ai hết giáo viên phải sớm thích ứng và luôn sẵn sàng đóng nhiều vai để thu hút, khuyến khích, tạo động lực cho học sinh.
Học sinh tiểu học trong một tiết học online. Ảnh: Nguyên Võ |
Tương tự, trong giao tiếp online với phụ huynh, một số giáo viên cũng chưa thật sự khéo léo, thậm chí là thiếu tế nhị. Mới đây, một phụ huynh phàn nàn rằng: Trước khi áp dụng hình thức học trực tuyến, giáo viên nhắn tin trong nhóm Zalo chung của lớp để khảo sát xem các gia đình có đủ điều kiện cho con em mình học hay không. Nhưng khảo sát chỉ để khảo sát, vì phụ huynh dẫu có lựa chọn hình thức nào thì hình thức dạy-học vẫn diễn ra. Chị bạn tôi nằm trong số ít những phụ huynh lựa chọn không đủ điều kiện nhưng giáo viên chủ nhiệm cũng không hỏi lý do vì sao; nếu nhà trường vẫn tổ chức học online thì phụ huynh có khắc phục được hay không?
Sự phiền muộn, lo lắng của phụ huynh không chỉ có thế. Một phụ huynh tỏ rõ sự không hài lòng trước cách ứng xử thiếu tế nhị của giáo viên chủ nhiệm với mình trong nhóm Zalo chung của lớp. Thực chất đây là nhóm Zalo liên lạc giữa phụ huynh và giáo viên vì các cháu còn nhỏ, đa phần chưa được sử dụng điện thoại. Thế nhưng nhiều hôm giáo viên chỉ gửi vào đó 1 clip âm nhạc hoặc clip giáo dục thể chất, mỹ thuật… mà không kèm theo bất kỳ lời nhắn gửi hay dặn dò gì. Phụ huynh nào quan tâm sẽ chủ động nhắn tin lại để hỏi, còn không thì ngầm hiểu giáo viên muốn thông qua mình để chuyển bài học đến học sinh. Cũng có thể trước đó, giáo viên căn dặn học sinh nhưng vị phụ huynh kia vẫn muốn nhấn mạnh rằng, giáo viên đang tương tác với phụ huynh chứ không phải học sinh. Chả lẽ 1 tin nhắn chung cho tất cả lại mất nhiều thời gian của giáo viên đến thế.
Vị phụ huynh này còn kể: Mới đây, cuộc họp phụ huynh đầu năm học cũng bằng hình thức online. Ngày hôm trước, giáo viên chủ nhiệm chụp giấy mời họp phụ huynh, trong đó có ghi về thời gian, địa chỉ ID, mật khẩu để vào nhóm họp. Trong giấy mời, giáo viên chủ nhiệm cẩn thận ghi “Kính mong phụ huynh sắp xếp thời gian vào dự họp đúng giờ”. Đúng giờ, phụ huynh đăng nhập và sau khi giải quyết một vài sự cố ngoài ý muốn về hệ thống, đường truyền, mọi người có thể nhìn thấy nhau, chào hỏi. Duy chỉ giáo viên chủ nhiệm không thấy xuất hiện. Gần 1 giờ đồng hồ trôi qua, phụ huynh vẫn kiên nhẫn chờ đợi, rồi thắc mắc đến khi không thể kiên nhẫn hơn, mọi người ngao ngán rời cuộc họp. Những tưởng sau khi xem những tin nhắn thắc mắc trong nhóm, giáo viên chủ nhiệm sẽ có động thái giải thích về sự cố không mong muốn, song cuối cùng lại chẳng có phản hồi gì. Thay vào đó, giáo viên chỉ lẳng lặng đính kèm vào đó 1 tập tin thông báo về các khoản thu chi của lớp trong năm học mới.
Nghe câu chuyện, tôi có chút chạnh lòng và băn khoăn. Chạnh lòng vì cách cư xử, giao tiếp thiếu tế nhị của giáo viên và băn khoăn về hiệu quả thật sự của việc dạy học online. Bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc dạy học online có thể còn kéo dài, liệu tình trạng này có được cải thiện?
AN NGUYÊN