Giáo dục

Tin tức

Giáo viên mầm non làm đẹp trường lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù chưa triển khai học trực tiếp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giáo viên mầm non ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo làm đẹp trường lớp để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. 
Đồ dùng học tập từ vật liệu phế thải
Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó) có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện quy định của ngành về công tác phòng-chống dịch, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, giáo viên vẫn chưa thể đón học sinh đến trường. Với tinh thần ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức Hội thi “Làm đồ dùng, đồ chơi cấp trường” nhằm tạo khí thế thi đua giữa các cô giáo trong thời gian nghỉ dịch. Hội thi là dịp để giáo viên thể hiện khả năng sáng tạo các thiết bị dạy học phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp.
Cô Hoàng Thị Bảy-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Các sản phẩm tham dự hội thi năm nay được đầu tư thời gian và công sức nên chất lượng cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Các sản phẩm làm từ vật liệu phế thải và nguyên liệu sẵn có của địa phương nên vừa tiết kiệm chi phí, vừa giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. “Kết thúc hội thi, nhà trường đã trao 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích cho các nhóm lớp đạt thành tích cao. Trong đó, nhóm lớp thuộc điểm trường buôn Bi Gia giành giải đặc biệt với mô hình siêu thị của bé và những đồ vật được làm từ vỏ lon bia, hộp giấy, xốp màu... thể hiện tính sáng tạo cao, đẹp mắt, an toàn cho trẻ”-cô Bảy thông tin thêm.
Ảnh: Vũ Chi
Từ những vật liệu phế thải, nguyên liệu sẵn có của địa phương, các cô giáo Trường Mẫu giáo Sao Mai (xã Ia Ma Rơn) đã sáng tạo thành đồ dùng dạy học, đồ chơi đẹp mắt. Ảnh: Vũ Chi
Trong khi đó, tại Trường Mẫu giáo Sao Mai (xã Ia Ma Rơn), hội thi làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho học sinh vừa kết thúc với 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Cô Hướng Thị Hường (nhóm lớp 5 tuổi 1) đã xuất sắc giành giải đặc biệt của hội thi. Cô Hường chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai thi làm đồ dùng, đồ chơi nên các giáo viên hào hứng tham gia. Từ các vật liệu phế thải như lon bia, chai nước ngọt, lốp xe, qua bàn tay khéo léo của các giáo viên đã tạo ra những đồ dùng, đồ chơi hữu ích, đẹp mắt. Tôi rất vui vì sản phẩm của mình đã được đánh giá cao tại hội thi năm nay. Sau khi kết thúc hội thi, các sản phẩm được giáo viên trưng bày tại phòng học của lớp mình. Chắc chắn khi quay trở lại trường, các cháu sẽ rất thích thú với những sản phẩm này”.
Nhiều hoạt động bổ ích
Cùng với việc tổ chức hội thi làm đồ dùng, đồ chơi, các trường mầm non cũng tranh thủ thời gian nghỉ dịch để làm đẹp trường, lớp. Ngay trong những ngày đầu năm học, Trường Mẫu giáo Sơn Ca đã huy động tất cả 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức trang trí lại toàn bộ 15 phòng học tại điểm trường chính và điểm trường lẻ. Những bức tường ố màu được quét lớp sơn mới, trang trí bằng những bức tranh ngộ nghĩnh. Từ nội dung các câu chuyện cổ tích, giáo viên đã tái hiện những bức tranh nhiều màu sắc, tạo không gian lớp học sinh động, cuốn hút học sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 15 phòng học tại các điểm trường đã khoác lên mình bộ áo mới đẹp mắt, mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, Chi Đoàn nhà trường còn đảm nhận thêm nhiệm vụ trang trí bồn hoa, cây cảnh. Từ những viên đá cuội vô tri, các cô đã sơn, vẽ màu tạo nên những con vật sống động như cá, sư tử, ngựa vằn hay những trái cây hấp dẫn như táo, dâu tây… Các bồn cây cũng trở thành địa điểm khám phá lý tưởng đối với các cháu mẫu giáo.
Cô Hoàng Thị Bảy chia sẻ: Cùng với các hoạt động dọn vệ sinh trường lớp, công tác chuyên môn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Thay vì học trực tiếp, giáo viên quay video gửi qua Zalo nhóm lớp để truyền đạt kiến thức đến các em học sinh. Trường Mẫu giáo Sơn Ca nằm ở vùng sâu với hơn 60% là học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em không có phương tiện học tập trực tuyến. Với những trường hợp này, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên lập danh sách, photocopy tài liệu và trực tiếp xuống thôn, làng phối hợp với phụ huynh triển khai cho các em học tập. Mối liên hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên trở nên khăng khít, gần gũi hơn.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó) sơn, trang trí lại phòng học trong thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Vũ Chi
Giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó) trang trí lại lớp học trong thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Vũ Chi
Chị Đinh Như (thôn 5, xã Pờ Tó) cho hay: “Nhà mình không có điện thoại thông minh. Vì vậy, các cô giáo thường xuyên mang tài liệu đến tận nhà giúp cháu học tập. Lần nào xuống, cô giáo cũng ở lại cả buổi hướng dẫn cháu và bạn gần nhà học, kiểm tra bài vở”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa-cho hay: Năm học 2021-2022 đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với bậc học mầm non, giáo viên phải đổi mới hoàn toàn hình thức dạy-học cho phù hợp với tình hình mới. Thực hiện chỉ đạo chung của ngành, Phòng quán triệt các trường linh hoạt triển khai các hoạt động dạy-học cũng như đảm bảo vệ sinh trường lớp, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy hoạt động dạy-học không diễn ra trực tiếp nhưng nhiều trường vẫn tổ chức được các hoạt động bổ ích, sáng tạo, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thời gian nghỉ dịch. Giáo viên cũng linh hoạt xuống các thôn, làng tập hợp học sinh thành từng nhóm nhỏ trình chiếu video bài học cho các em xem hoặc phối hợp với phụ huynh phát tài liệu photocopy và hướng dẫn các em học tập. Đây là nỗ lực rất đáng khích lệ của các cô giáo nhằm đảm bảo kiến thức cho các em trong thời gian nghỉ dịch.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm