Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Giêng hai ăn ngọn đậu bùi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sáng cuối Giêng gọi điện về hỏi thăm nhà, tôi mới hay mẹ vừa từ đồng làng về, tay hãy còn bưng chiếc nón lá đựng mớ ngọn đậu đỏ, đậu đen non mướt. Mẹ cười hiền lành: “Món này giờ ít ai còn nhớ, thế nhưng đã ăn thì thể nào cũng nghiện!”. Lời nhắc nhớ của mẹ khiến tôi bỗng dưng thèm được ăn món rau đặc biệt này quá đỗi!
Ngày trước, quê tôi hầu như nhà nào cũng trồng đậu bên cạnh đậu phộng, mè, bắp, khoai… Những ngày cuối tháng 10 Âm lịch, nhà nào nhà nấy đã bắt đầu chộn rộn làm đất, gieo hạt, tưới tắm, chăm bón cho từng luống từng vạt đậu. Cứ thế ra Giêng, trời nắng ấm, đậu bén hơi xuân vươn lên xanh mỡ màng. Đây cũng là mùa đậu cho ngọn béo mập, giòn ngọt, thơm bùi nhất.
Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường theo mẹ ra đồng. Chỉ một, hai lần quan sát mẹ làm, tôi đã học được “bí kíp” hái ngọn đậu sao cho đúng cách. Đó là phải dùng ngón tay cái và tay trỏ bấm từng ngọn đậu dài 10-12 cm. Mẹ bảo: “Đây là khoảng mà ngọn đậu ngon nhất, dù có chế biến bất kỳ món nào”. Cứ thế, năm nào ra Giêng, tôi cũng theo mẹ ra đồng thu hoạch ngọn đậu. Tôi vẫn thường gọi đó là lộc, là thức quà đặc biệt mà đất trời giêng hai đã ban tặng cho những người dân nghèo quê tôi.
Cùng với ngọn khoai lang, rau muống, rau sam, dền cơm,… ngọn đậu là sự lựa chọn ưu tiên của mẹ cho bữa cơm gia đình những ngày gian khó. Ngọn đậu được hái về, khi thì mẹ luộc chấm mắm ớt tỏi, khi mẹ nấu canh với cua hoặc tép đồng,… Nhưng tôi thích nhất món ngọn đậu xào tỏi dân dã mẹ vẫn thường làm. Nhờ món này, gia đình tôi chẳng những có được bữa cơm no bụng mà còn giúp khẩu vị thêm thơm ngon, đậm đà.
Ngọn đậu hái về được mẹ rửa sạch rồi để ráo. Riêng phần ngọn có nhiều lá, mẹ vò sơ qua cho lá mềm hơn để khi ăn sẽ cảm nhận được rõ vị ngọt bùi. Mẹ cho một phần nước vừa đủ ăn vào nồi, cho ít muối hạt, bắc lên bếp nấu sôi, sau đó cho ngọn đậu vào nồi, dùng đũa trở qua trở lại đến khi ngọn rau xanh đều mới vớt ra rổ. Phần nước luộc rau được mẹ vắt chanh, nêm nếm gia vị dùng làm canh; riêng phần rau luộc sẽ tiếp tục được xào. Mẹ cho mỡ vào chảo, phi với tỏi đã được băm nhuyễn. Khi tỏi thơm, mẹ tiếp tục cho phần ngọn đậu luộc vào, đảo đều, thêm gia vị đầy đủ, vừa ăn rồi tắt bếp, cho ra đĩa.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Những bữa cơm với món ngọn đậu xào tỏi vừa thơm bùi, vừa beo béo, đậm vị, hao cơm đến độ tôi ăn liền mấy chén mà vẫn chưa thấy no bụng. Nhớ khoảng thời gian sau này, khi đã lên phố học đại học, quà mẹ gửi mỗi tuần cho tôi, bên cạnh gạo, khoai, hành, tỏi; bên cạnh con tôm con cá; quả na, quả ổi,… còn có cả bó ngọn đậu ngọt ngon được gói trong chiếc lá chuối xanh cột dây rơm. Mẹ vẫn thường nói: “Trên phố, cái gì cũng phải ra chợ mua mới có chứ ở quê thì chỉ cần đem rổ ra vườn hay ra đồng một tí, kiểu gì cũng có mớ rau cải thiện khi nhỡ bữa”. Những thức quà bình dị, yêu thương như thế từ quê nhà đã dần nuôi lớn ước mơ của tôi mỗi ngày.
Giờ cuộc sống không còn khó khổ như xưa. Ấy vậy mà những món ăn dân dã, bình dị một thời từ ngọn rau lang, ngọn đậu, ngọn bầu… nay có khi lại trở thành đặc sản, được nhiều người ưa chuộng. Đơn giản bởi đây là nguồn rau sạch, lạ miệng, giúp bữa ăn càng thêm hấp dẫn, thú vị. Yêu quê hương, yêu những gì dung dị, đời thường, tôi càng thêm trân quý những sản vật có được từ mồ hôi, công sức của người dân lao động dù chỉ là mớ rau, con cá.
Sáng cuối tuần, dạo qua cổng chợ, tôi chợt thấy bóng dáng bà cụ ngồi bó gối bên mấy bó ngọn đậu đặt trong rổ tre. Nhìn tôi, bà móm mém cười, đon đả: “Tháng Giêng ăn ngọn đậu bùi/Bâng khuâng nhớ mẹ bùi ngùi ruột đau… Cô ơi, ngọn đậu mùa này ngon lắm, mua giúp bà đi cô!”. Ngắm nụ cười bình dị của bà, tôi như thấy bóng dáng mẹ tôi nơi quê nhà, càng da diết nhớ món ngọn đậu ngọt bùi một thuở!
LÊ THỊ XUYÊN

Có thể bạn quan tâm